Nữ thần Kumari mới (nghĩa là “công chúa” trong tiếng Phạn) đã được đưa từ nhà của cô ở thủ đô của Nepal tới Quảng trường cổ đại Durbar để tham gia một buổi lễ khai sinh ngắn trước khi chuyển đến đền thiêng - nơi cô bé sẽ bị tách khỏi gia đình, xã hội và sống dưới sự chăm sóc đặc biệt của những người giám hộ đến năm 13 tuổi.
Như các đời Kumari trước, Shakya được coi là hiện thân của nữ thần Hindu Taleju. Cô bé sẽ chỉ được phép rời khỏi ngôi đền thiêng 13 lần trong năm vào các ngày lễ đặc biệt.
Buổi lễ trên diễn ra vào ngày thứ 8 của lễ hội Dasain - lễ hội tôn giáo chính ở Nepal kéo dài 2 tuần.
Cha của Trishna, anh Bijaya Ratna Shakya, chia sẻ với AFP rằng: “Tôi có cảm xúc rất lẫn lộn. Con gái tôi đã trở thành Kumari và đó là một điều tốt đẹp. Nhưng nó cũng là một nỗi buồn vì con bé sẽ bị tách ra khỏi chúng tôi”.
Tiêu chuẩn lựa chọn một Kumari vô cùng nghiêm ngặt và bao gồm một số đặc tính ngoại hình cụ thể như: cơ thể không có tì vết, ngực như sư tử và đùi như một con nai. Ngay cả khi đáp ứng đủ tất cả các yêu cầu về ngoại hình thì các cô bé vẫn phải chứng tỏ sự dũng cảm của mình bằng cách không được khóc trước một con trâu hiến tế.
Truyền thống trên đã vướng phải những lời chỉ trích từ các nhà hoạt động vì quyền trẻ em. Những người này cho biết các Kumari đã bị cướp đi tuổi thơ, bị cô lập với xã hội. Điều này gây trở ngại cho sự phát triển và giáo dục của các bé gái.
Trên thực tế, nhiều cựu Kumari cũng đã lên tiếng về những cuộc đấu tranh mà họ phải đối mặt trong quá trình tái hòa nhập với xã hội sau khi bị “truất ngôi”.
Cuối cùng, đến năm 2008, Tòa án tối cao Nepal đã ra phán quyết các "Nữ thần sống" Kumari phải được giáo dục. Kumari được dạy ngay bên trong ngôi đền, nơi họ sống và được phép ngồi thi tại đó.