Cô gái người Dao giữ hương chè shan tuyết trên núi Biều

13/11/2018 - 09:34
Khởi nghiệp ở vùng cao khó khăn, vất vả nhưng Lý Sao Mai (xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) đang nỗ lực để cùng những hộ người dân tộc Dao sinh sống tại xóm Sưng giữ gìn, phát triển cây chè shan tuyết đặc sản của quê hương.
Xóm Sưng nơi gia đình Lý Sao Mai sinh sống là một bản nhỏ nằm ở xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Dù nơi đây chỉ cách xa trung tâm huyện hơn 10 km nhưng địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi khe núi. Người ta thường ví von: "Muốn lên được xóm Sưng thì phải sưng và mỏi hết cả hai đầu gối". Nhưng nơi đây lại là một địa điểm được nhiều người biết đến, bởi được thiên nhiên ban tặng một loài cây quý, đó là cây chè shan tuyết.
 
Gìn giữ những cây chè cổ thụ
 
Kể về loại cây này, Sao Mai cho biết, cây chè shan tuyết đã gắn bó với người dân bản từ hàng trăm năm nay. Từ bản lên đến nơi chè tuyết mọc tự nhiên phải mất cả giờ đồng hồ. Những cây chè cổ thụ cao to cả một người ôm không hết, muốn hái phải trèo lên cây hoặc bắc thang. Cây được trồng rải rác trên núi Biều.
 
Cây chè shan tuyết ở đây có nhiều điểm khác biệt so với chè của những vùng khác. Đó là chè mọc ở độ cao hơn 1000m2 so với mực nước biển, sinh trưởng tự nhiên, không dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Với khí hậu mát mẻ, sáng và chiều đều có mây che phủ, nên cây cho búp rất to. Đặc biệt, chè luôn có một lớp lông trắng ở búp non nên được gọi là chè tuyết.
che-shan-tuyet-1.jpg
Chè shan tuyết là loài cây đặc sản của vùng núi cao
 
Thuở xưa, mỗi năm người dân tộc Dao ở bản chỉ thu hái một vụ chè và chọn chè dài khoảng 10 – 15cm, gọi là chè bồm. Chè sau khi hái về được sao trên chảo, sau đó vò bằng tay, phơi nắng và đắp vào sọt để trên gác bếp. Khi pha nước chè không có màu xanh như chè bình thường mà có màu vàng óng, có vị ngọt đậm, mang đến cho người thưởng thức cảm giác sảng khoái, tốt cho tim mạch, giảm lượng đường trong máu, bài trừ độc tố, làm đẹp da…
 
Nỗ lực mở đường cho chè shan tuyết đi xa
 
Nhưng những búp chè shan tuyết núi Biều mới chỉ được thu hái theo kiểu thủ công. Bà con dân tộc thường để cho chè già, rồi đốn cả cành để thu hái, sản lượng thu về rất ít. Nhận thức được nhu cầu của thị trường, Lý Sao Mai và 6 người khác, đều là người dân tộc thiểu số, nằm trong diện hộ nghèo đã dũng cảm thành lập tổ liên kết để phát triển sản phẩm chè san tuyết, mở xưởng sản xuất, sao chế theo công nghệ mới, quảng bá sản phẩm và bán ra thị trường.
 
Khi phóng viên báo PNVN hỏi về những khó khăn gặp phải khi phát triển sản phẩm chè shan tuyết, Lý Sao Mai đáp lại bằng nụ cười chân thật của cô gái người Dao.
 
che-shan-tuyet-0.JPG
Lý Sao Mai đang nỗ lực để cùng những hộ người Dao sinh sống tại xóm Sưng giữ gìn, phát triển cây chè shan tuyết đặc sản của quê hương
"Trở ngại thì nhiều lắm. Trước nay, bà con dân tộc chỉ quen thu hái chè theo kiểu truyền thống, mỗi năm một vụ.  Bây giờ, áp dụng công nghệ mới, thu hái búp chè, phải lấy thành nhiều vụ, bà con cũng ngại. Sao Mai phải dành nhiều thời gian thuyết phục bà con. Chè được thu hái từ những cây cổ thụ đã hàng trăm năm, nên muốn tăng sản lượng cũng khó. Thêm vào đó, nhiều người còn chưa biết được những giá trị của cây chè shan tuyết nơi vùng cao, không chỉ ngon mà còn sạch, an toàn để cho khách hàng hiểu" - Sao Mai cho hay.
 
che-shan-tuyet-2.jpg
Khi pha, chè shan tuyết có màu vàng óng và vị ngọt đậm

 

Quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng là một thách thức của cô gái xóm Sưng này, bởi nơi đây, có những khi sóng điện thoại di động còn yếu, muốn liên hệ với ai, Sao Mai phải chạy lên những chỗ thật cao. Điện thoại còn thế, nói gì đến mạng internet, lúc được lúc chăng, nên sản phẩm chè shan tuyết làm ra mới chỉ giới thiệu được cho khách quanh vùng và quảng bá tại khu du lịch cộng đồng của xã.
 
Bên cạnh đó, giống như biết bao bạn trẻ khởi nghiệp ở vùng nông thôn, Lý Sao Mai cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, thiếu vốn, hiểu biết về thị trường, kiến thức còn hạn chế.
 
Ý thức được những điểm yếu đó của mình, Lý Sao Mai và các bạn trẻ trong tổ liên kết luôn tập trung vào chất lượng. Chè shan tuyết bán ra thị trường dù bao bì, đóng gói vẫn còn rất giản dị nhưng luôn được khách hàng đánh giá cao. Mỗi năm, tổ liên kết sản xuất chè shan tuyết xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đạt sản lượng từ 2-3 tấn chè khô/năm. Cùng với việc thu hái từ những cây chè cổ thụ, nhóm cũng mở rộng thêm vùng nguyên liệu, tiếp tục trồng thêm những cây chè mới, để gìn giữ giống chè shan tuyết quý.
 
che-shan-tuyet.jpg
Cô gái người Dao dự định tiếp tục trồng thêm nhiều cây chè shan tuyết tại địa phương

 

Không ngại khó, những người trẻ như cô gái Lý Sao Mai tại xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đang đặt những viên gạch đầu tiên trên hành trình khởi nghiệp, góp phần đưa những đặc sản vùng cao vươn xa đến khắp mọi miền. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm