Cô gái vàng điền kinh trở thành Gương mặt trẻ tiêu biểu: Từng mắc trọng bệnh, bị bác sĩ cấm tập thể thao

Nguyễn Long
26/03/2020 - 08:15
Cô gái vàng điền kinh trở thành Gương mặt trẻ tiêu biểu: Từng mắc trọng bệnh, bị bác sĩ cấm tập thể thao

VĐV Nguyễn Thị Oanh lọt vào top 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2019, nhờ thành tích xuất sắc tại SEA Games 30.

Từng là VĐV mắc bệnh viêm cầu thận bị trả về nhưng vượt lên tất cả, Nguyễn Thị Oanh đã lập chiến công với 3 HCV tại SEA Games 30 trên đất Philippines. Hành trình trở thành nhà vô địch của cô gái 9x này như một câu chuyện cổ tích.

Về nhất khi đôi chân không còn chút sức lực

Trong thành công của đội tuyển điền kinh Việt Nam với 16 HCV tại SEA Games 30 không thể không nói tới cú "hat-trick" Vàng của Nguyễn Thị Oanh. Những giọt nước mắt và cả máu của cô gái chỉ cao 1m48 là hình ảnh tiêu biểu cho sự dấn thân, ý chí kiên cường ở môn thể thao "Nữ hoàng". Nhờ thành tích xuất sắc đó, mới đây VĐV Nguyễn Thị Oanh đã lọt vào top 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2019.

Cô gái vàng điền kinh trở thành Gương mặt trẻ tiêu biểu: Từng mắc trọng bệnh, bị bác sĩ cấm tập thể thao - Ảnh 1.

Anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Bí Thư thứ nhất TƯ Đoàn, Chủ tịch Hội đồng xét tặng Giải thưởng, trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho vận động viên Nguyễn Thị Oanh.. Ảnh: Như Ý

Tại SEA Games 30, Oanh đăng ký tranh tài ở 3 nội dung 1.500m, 5.000m và 3.000m chạy vượt chướng ngại vật. Cô gái sinh năm 1995 này đã xuất sắc cán đích đầu tiên ở nội dung 1.500m với thành tích 4 phút 17 giây 35.

Người hâm mộ càng bất ngờ hơn khi Oanh tiếp tục mang về tấm HCV thứ 2 cho Đoàn Thể thao Việt Nam ở nội dụng 5.000m với thành tích 16 phút 46 giây 04. Sau phần thi này, Oanh đã gần kiệt sức. Nhưng chỉ được nghỉ khoảng 2 tiếng, cô đã phải bước vào phần thi 3.000m vượt chướng ngại vật ngay trong buổi chiều cùng ngày.

Bước vào phần thi cuối với đôi chân run rẩy, không còn chút sức lực nhưng ý chí chiến đấu đã giúp "cô bé hạt tiêu" vượt qua tất cả, thậm chí còn hơn cả người chạy cuối cùng 1 vòng sân, trước khi lao về đích trong sự hò reo của ban huấn luyện, cổ động viên, giành HCV, phá luôn kỷ lục SEA Games.

"Sau khi thi 5.000m, tôi bị kiểm tra doping. Phải mất 2 tiếng, quá trình kiểm tra mới kết thúc. Lúc thi xong, cơ thể tôi đã quá kiệt sức. Trong quá trình chờ kiểm tra, tôi bị hơi choáng vì không được bổ sung năng lượng. Không được nghỉ ngơi trong khi thần kinh căng thẳng. Cơ thể tôi lúc ấy gần như không còn chút sức lực nào, tinh thần uể oải. Tôi đã rất lo lắng, chẳng biết chiều thi nội dung cuối có vượt qua không", Oanh nhớ lại.

Nghị lực phi thường của cô gái vàng thể thao Việt Nam - Ảnh 2.

Oanh bật khóc tại SEA Games 30 sau khi chinh phục được những đỉnh cao

Hình ảnh cô gái có nước da ngăm đen ngã gục xuống đường chạy, ngất đi vì quá mệt với việc phải thi đấu kiên cường liên tục gần 10.000m tại SEA Game 30, có lẽ sẽ không bao giờ phai nhoà trong ký ức người hâm mộ thể thao Việt Nam.

Tại các giải đấu, cô luôn là người thấp nhất, chiều cao chưa đầy 1m50, với đôi chân không đạt chuẩn của dân điền kinh. Tuy nhiên, cô gái này được bù lại bởi sức bền đáng nể, khả năng tận dụng cơ hội, đặc biệt là trong những điều kiện gian khó.

"Sáng nào nó cũng dậy sớm chạy khắp làng"

Oanh sinh ra trong một gia đình có tới 8 anh chị em ở xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Ngay từ khi còn nhỏ, Oanh được đánh giá là một đứa trẻ năng động, hoạt bát. Từ khi học cấp 2, cô thường tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao của trường.

Ông Nguyễn Văn Chuyền (bố của Oanh) kể: "Sáng nào nó cũng dậy sớm rồi tập chạy khắp làng, có hôm trời mùa đông, nó sợ tối nên rủ cả em trai dậy chạy cùng. Lúc đó mọi người cũng chỉ nghĩ là nó chạy cho vui, rèn luyện sức khỏe là chính, ai ngờ nó thích thể thao thật".

Năm học lớp 9, Oanh bắt đầu nhận được sự chú ý và được nhận vào Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Bắc Giang để tập luyện. Lúc này Oanh được gia đình chuyển xuống học tại trường THPT Ngô Sĩ Liên để tiện cho việc học tập và rèn luyện. Học được nửa năm lớp 10 thì Oanh chuyển xuống Hà Nội để tập luyện và theo học. Bắt đầu từ khoảng thời gian này, Oanh phải sống xa nhà và tự lập đến hiện tại.

Nghị lực phi thường của cô gái vàng thể thao Việt Nam - Ảnh 3.

Nguyễn Thị Oanh tập luyện cùng đồng đội. Ảnh: Như Ý.

Tự lập từ sớm, Oanh nhận thức được bản thân phải luôn cố gắng để theo đuổi đam mê.

Oanh cho biết, ban đầu bố mẹ cũng không muốn cho cô đi tập điền kinh nhưng thấy con quá đam mê nên đã hết lòng ủng hộ. "Em còn nhớ lời bố khuyên phải phấn đấu đạt thành tích cao nhất. Hồi nhận tháng lương đầu tiên, em vui lắm, mua ngay chỉ vàng về tặng mẹ. Chỉ vàng đó đến giờ mẹ vẫn còn giữ", Oanh tâm sự.

Với điểm tựa vững chắc là gia đình. Oanh đã khẳng định được bản thân bằng những thành tích ấn tượng trong sự nghiệp.

"Hôm Oanh thi đấu, vợ chồng tôi nghỉ làm ở nhà để theo dõi. Khi thấy con liên tục giành huy chương, cả nhà rất vui sướng, tự hào. Nhưng ở phần thi cuối, nhìn con mệt, nằm ngất giữa sân, lúc đó vợ tôi khóc nhiều lắm. Còn tôi, thương con nhưng chẳng thể đến bên đỡ con lên được", ông Chuyền kể lại.

Tự viết câu chuyện cổ tích

Năm 2014, Oanh bị phát hiện mắc chứng viêm cầu thận, cơ thể bị phù nề, tăng cân đột ngột và gương mặt bị biến dạng. Cánh cửa tương lai dường như đóng sập lại khi cô phải nhập viện điều trị kèm lời cảnh báo của bác sĩ "cấm tập luyện thể thao".

Nghị lực phi thường của cô gái vàng thể thao Việt Nam - Ảnh 4.

Ngoài tập luyện thể thao, Oanh còn bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Ảnh NVCC

Hàng tháng trời, Oanh phải ăn kiêng, mặt sưng phù, trong khi cơ bắp bị teo tệ hại. Thế nhưng với nghị lực phi thường, Oanh bắt tay vào tập luyện khi sức khỏe đã ổn định. Giữa năm 2015, Oanh đã trở lại đường chạy. Chưa đầy 3 năm sau, cô tỏa sáng rực rỡ theo cách của mình.

Từng là VĐV "thấp bé nhẹ cân" suýt không được nhận, từng là VĐV bị mắc bệnh viêm cầu thận bị trả về, nhưng vượt lên tất cả, "cô bé hạt tiêu" đã làm nên chiến công tại SEA Games 30 trên đất Philippines. Hành trình trở thành nhà vô địch của VĐV người Bắc Giang giống như một câu chuyện cổ tích.

Dù đã giành được nhiều thành tích ấn tượng trong sự nghiệp nhưng Oanh vẫn luôn thể hiện là một người đa di năng. Cô đã mạnh dạn dấn thân vào con đường kinh doanh xoay quanh niềm đam mê thể thao của mình. Oanh kể: "Em bán quần áo, giày thể thao một phần để cải thiện thu nhập, một phần vì đam mê. Vì em rất thích giày dép thể thao. Tuy nhiên trước mỗi giải đấu, em dừng mọi hoạt động kinh doanh để tập trung luyện tập".

Trong căn nhà nhỏ giản dị tại vùng thôn quê, vợ chồng ông Chuyền vẫn luôn dõi theo từng bước chân của con gái. Ông bà chỉ mong Oanh có thật nhiều sức khỏe và cố gắng hơn nữa để có thể mang thêm nhiều vinh quang về cho nước nhà.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm