pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cô giáo mầm non trở thành tấm gương hiến máu cứu người
Cô giáo Vũ Thị Dâu, Phó Hiệu trưởng trường mầm non xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương
"Lúc nào con đủ tuổi, mẹ cho con đi hiến máu như mẹ"
Lần đầu tiên đăng ký tham gia hiến máu, khi ấy việc hiến máu nhân đạo ở địa phương chưa được phổ biến, cô Vũ Thị Dâu, Phó Hiệu trưởng trường mầm non xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, có phần lo lắng vì không biết cho máu xong khi về nhà sẽ thế nào. Thấy sức khoẻ bình thường, tỉnh táo, ăn ngủ tốt, cô nhận ra hiến máu vừa cứu được người bệnh, vừa sàng lọc giúp bản thân luôn khoẻ. Từ đó, cô đăng ký với Hội chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương đi hiến máu bất cứ lúc nào bệnh viện cần.
Hồi đầu, thấy vợ đi hiến máu hăm hở như chuẩn bị đi hội, chồng của cô Dâu lo lắng bảo: "Em nên để ý sức khoẻ, chỉ hiến 1 lần/năm là được rồi, còn giữ sức nuôi con, đừng ham quá". Sau một lần anh tham gia hiến máu cùng vợ về, cô Dâu không thấy anh nói như trước nữa. Thấy bố mẹ đi hiến máu cứu người, 2 con của cô Dâu nói: "Nếu lúc nào con đủ tuổi, mẹ cho con đi hiến máu cứu người như mẹ nhé". Năm 2018, thấy mẹ đi nhận Bằng khen Gia đình hiến máu tiêu biểu của tỉnh về, 2 con đều mong đủ 18 tuổi sẽ đi hiến máu cứu người như mẹ.
Trước đây, khi còn làm ở trường mầm non Hoa Sen, cô Vụ Thị Dâu vẫn duy trì đi hiến máu 2 lần/năm. Mấy năm gần đây, cứ khi nào nghe thông tin bệnh viện đang cần máu cứu người, cô lại sắp xếp công việc đi ngay. Có năm 3 lần, có năm 4 lần. "Tôi tuyên truyền cho mọi người rằng, bản thân tôi đi hiến máu xong lại thấy mình khoẻ hơn. Vậy là đến nay, trường có 36 cán bộ, nhân viên thì 70% giáo viên của trường tham gia hiến máu ít nhất 1 lần/năm. Chỉ những chị em nuôi con nhỏ, bầu bí, sức khoẻ có vấn đề, tuổi cao thì không tham gia được", cô Dâu cho biết. Trong đó, có cô giáo Phạm Thị Yến cũng rất tích cực tham gia hiến máu. Lần nào cô giáo Yến cũng dặn cô Dâu: "Chị đi hiến máu lần nào thì nhớ gọi em đi cùng nhé". Vậy là lần nào cô Dâu đi hiến máu, cũng có một vài cô giáo đi cùng.
Cô Dâu cười bảo: "Thấy con gái đi hiến máu nhiều, mẹ đẻ tôi cũng tham gia từ năm 2017 nhưng bà chỉ hiến máu 1 lần/năm. Năm nay mẹ tôi 61 tuổi, quá tuổi hiến máu theo quy định nhưng sức khoẻ tốt, bà vẫn đi cùng tôi để hiến máu cứu người. Tinh thần của người hiến máu là quan trọng nhất. Mọi người phải biết là cho đi thì máu mới tái tạo, chứ không mất đi đâu cả", cô Dâu giải thích thêm.
Lan tỏa phong trào tại địa phương
Không chỉ trong gia đình, trước kia người dân xã Quang Phục ít quan tâm đến phong trào hiến máu nhưng nay thấy cô Dâu đi hiến máu nhiều, nhiều người ở xã cũng đăng ký đi hiến máu tình nguyện. Ông Nguyễn Văn Thước, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Quang Phục, cho biết: "Thấy cô Dâu đi hiến máu nhiều mà vẫn khoẻ mạnh, tôi đã vận động anh chị em nhìn gương của cô Dâu và các cô giáo trường mầm non của xã để tham gia hiến máu cùng. Phong trào ngày càng phát triển ở địa phương. Làm được việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, cứu người, nên không ai ngần ngại nữa. Có dịp cần hiến máu, chúng tôi lại đi thôi".
Tại lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc lần thứ XIV diễn ra tại Hà Nội cách đây 2 tháng, tỉnh Hải Dương có cô giáo Vũ Thị Dâu được vinh danh và được nhận bằng khen của Bộ Y tế vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện năm 2020.
Ở địa phương, ai cũng lấy cô Dâu làm gương để tuyên truyền việc hiến máu cứu người nhưng cô Dâu vẫn khiêm tốn cho rằng: "Tôi hiến ngần đó cũng chưa là gì cả so với nhiều người khác. Tôi chỉ tiếc đã biết đến việc hiến máu hơi muộn, nếu không đã có thể cứu được nhiều người hơn. Tôi sẽ đi hiến máu đến bao giờ hết tuổi quy định thì mới dừng lại".