Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế

Phạm Thuỷ
13/09/2023 - 21:54
Từ ngày 13 đến 15/9, tại TPHCM diễn ra chuỗi sự kiện Diễn đàn xuất khẩu 2023 gồm các diễn đàn, hội thảo, hoạt động kết nối giao thương và Triển lãm Vietnam International Sourcing Expo. Sự kiện do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TPHCM tổ chức.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế - Ảnh 1.

Một trong số 200 đoàn doanh nghiệp quốc tế tham gia tìm hiểu kết nối giao thương trong ngày đầu diễn ra sự kiện.

Xu thế sản xuất xanh

Theo ông Lionel Adenot, CEO Decathlon Việt Nam, tập đoàn bán lẻ đồ thể thao có doanh số lớn nhất thế giới (từ năm 1995 tập đoàn đã chọn Việt Nam làm nơi sản xuất sản phẩm xuất khẩu), dư chấn của đại dịch Covid-19, đặc biệt sau quý 2/2023, đã dẫn tới nhiều vấn đề, giao thương quốc tế có những gián đoạn do thiếu container, trì hoãn kho vận, lạm phát không dự đoán được do địa chính trị. Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế bị chậm lại do bất lợi về nguồn cung. Tất cả ảnh hưởng đến hầu bao của người tiêu dùng. 

"Nhưng chính trong biến động, chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang nắm giữ tiềm năng trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng tôi cũng như nhiều nhà sản xuất đều đang tìm kiếm các nhà sản xuất có năng lực tự chủ. Bên cạnh những yêu cầu hàng đầu về việc phải có tầm nhìn trong trung hạn, sự linh hoạt và sẵn sàng thay đổi mọi cơ chế, chính sách thì chuyển đổi số là tất yếu", ông Lionel Adenot cho hay.

Theo ông Lionel Adenot, trong thời điểm thế giới khát tìm nguồn cung có năng lực thì Việt Nam phải tận dụng tốt quá trình số hoá để có thể thực hiện tốt nhất việc truy xuất nguồn gốc, giám sát nguyên liệu, đưa tất cả vào tư duy kinh doanh của nhà cung cấp. Muốn vậy, nhà sản xuất địa phương phải linh hoạt hướng đến tính hiệu suất cao, đặc biệt là thời gian làm hàng. Phải dùng nguyên liệu tại địa phương. Thay đổi quan trọng khác là cần có chiến lược giảm thiểu khí CO2 ra môi trường trong quy trình sản xuất. "Với Decathlon Việt Nam, chúng tôi đo lường được lượng khí phát thải ra môi trường năm 2019 giảm 17% và tiếp tục giảm thêm 10% vào năm 2021", ông Lionel Adenot khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam, nhận định, đây là cơ hội lớn nhất để nâng cao năng lực tham gia thị trường quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam. Có thể gọi là triển vọng của Việt Nam trên con đường trở thành nhà sản xuất nguyên liệu thô. Doanh nghiệp Nhật đã nhận rõ sự thay đối trong sản xuất nhìn từ góc độ tư duy toàn cầu: xu thế thay đổi từ sản xuất số lượng lớn chuyển sang sản xuất sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Và Aeon Topvalu đã xây dựng theo hướng phát triển bền vững.

Cơ hội cho Việt Nam

Tiếp nối nhận định của doanh nghiệp nước ngoài, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, hiện nay TPHCM tích cực tham gia hội nhập kinh tế, đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp tiếp tục phát huy thành quả, nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, các thương hiệu bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững. Một trong số đó là lựa chọn Việt Nam làm địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 435,23 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 227,7 tỷ USD, xuất siêu đạt 20,19 tỷ USD. Theo ông Đỗ Thắng Hải, đây là kết quả của các hoạt động phát triển thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại, triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ ngoại thương, áp dụng các hình thức xúc tiến mới, phù hợp, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu và đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế - Ảnh 2.

Đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước trai đổi tại triển lãm

Diễn đàn xuất khẩu 2023 và Diễn đàn xuất khẩu xanh của TPHCM lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu quả kép và tối ưu hóa hoạt động xúc tiến xuất khẩu với TPHCM nói riêng, cả nước nói chung. Về phía TPHCM, ông Võ Văn Hoan cho biết, thành phố sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Công Thương trong các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp; Tìm hiểu khó khăn của doanh nghiệp, năng lực đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Chuỗi sự kiện này ghi nhận sự vào cuộc chưa từng có của hệ thống thương vụ, chi nhánh thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Viet Nam International Sourcing Expo 2023 có quy mô 8.000m2 dành cho 300 doanh nghiệp, đại diện cho các lĩnh vực khác nhau trong chuỗi cung ứng quốc tế. Triển lãm dự kiến thu hút 8.000 lượt khách tham quan, giao dịch với 200 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sự kiện năm nay cũng ghi nhận sự quan tâm tham dự lớn chưa từng có của các tập đoàn lớn trên thế giới như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thụy Điển), LuLu (UAE)…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm