Cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc, không để người bệnh phải mua thuốc ngoài

PVH
08/11/2023 - 12:11
Cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc, không để người bệnh phải mua thuốc ngoài

Đại biểu Dương Khắc Mai (trái) - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông - chất vấn và Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn. Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, về nguyên tắc, cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh, không để người bệnh phải mua thuốc ngoài trong thời gian điều trị nội trú. Tuy nhiên, các ĐBQH cho rằng, bệnh nhân vẫn phải mua thuốc ở bên ngoài, gặp rất nhiều khó khăn.

Trả lời một số câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề bệnh nhân mua thuốc ngoài có được thanh toán bảo hiểm y tế hay không, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Về nguyên tắc, cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh, không để người bệnh phải mua thuốc ngoài trong thời gian điều trị nội trú. Nếu cho người bệnh tự mua thì dẫn đến nhiều nguy cơ liên quan đến chất lượng thuốc, an toàn người bệnh, giải quyết tranh chấp khi có tai biến, rủi ro, lạm dụng chỉ định.

Bộ trưởng cho biết, trong quá trình phòng chống dịch Covid-19, đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến thiếu thuốc, thực tế, nhiều cơ sở y tế không đảm bảo đủ thuốc, bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc để tự điều trị. Bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Quyền lợi của bệnh nhân, của người tham gia bảo hiểm y tế phải được đảm bảo, đây là yêu cầu chính đáng, cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có quy định về việc trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân khi mua thuốc bên ngoài.

Cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc, không để người bệnh phải mua thuốc ngoài - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn

Thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp, yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện các chỉ đạo, quy định liên quan đến việc mua thuốc, vật tư y tế để đảm bảo phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. 

Ngoài ra, Bộ đề xuất nghiên cứu các cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể điều chuyển thuốc giữa các cơ sở khi các kết quả thầu còn hiệu lực, đồng thời, cần rà soát lại các danh mục thuốc và dự kiến đầu năm 2024, Bộ sẽ thực hiện bổ sung thêm danh mục thuốc để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Tiếp tục chất vấn liên quan nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, tranh luận lại với Bộ trưởng Bộ Y tế, đồng thời khẳng định: vấn đề bệnh nhân đi viện phải mua thuốc ở bên ngoài, gặp rất nhiều khó khăn - là thực trạng mà nhiều cử tri quan tâm. Bệnh nhân phải đi viện mà phải mua thuốc ở bên ngoài với giá rất đắt thì không phải ai cũng mua được. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Y tế chỉ, đạo phối hợp với cơ quan Bảo hiểm y tế có giải pháp kịp thời cho bệnh nhân khi tham gia bảo hiểm, khám chữa bệnh, đặc biệt là đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân nghèo, có điều kiện kinh tế khó khăn.

Trả lời đại biểu Dương Khắc Mai, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đã có chỉ đạo cụ thể về vấn đề thanh toán cho người bên khi phải ra ngoài mua thuốc khi cơ sở y tế không đủ thuốc cung ứng; ngay trong ngày 7/11, Bộ Y tế đã họp bàn về những nội dung này để có phương án cụ thể. Bộ Y tế đang tích cực chỉ đạo triển khai để khi có dự thảo chính thức sẽ xin ý kiến các bộ ngành địa phương.

Bộ trưởng nhấn mạnh quy định cụ thể điều kiện nào người bệnh được thanh toán bảo hiểm và quy định nào để tránh lạm dụng đòi hỏi các quy định pháp lý một cách chặt chẽ.

Cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc, không để người bệnh phải mua thuốc ngoài - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh, nêu câu hỏi chất vấn. Ảnh QH

Liên quan nội dung này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn ĐBQH TPHCM, cho biết, Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành trung ương có đề cập đến mục tiêu giảm bớt tỷ lệ "sử dụng tiền túi của bệnh nhân" khi thực hiện dịch vụ y tế, tuy nhiên, đến nay có thể thấy việc triển khai thực hiện còn chưa hiệu quả. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có giải pháp nào để thực hiện mục tiêu này?

Về giảm chi phí điều trị cho người dân, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định đây là vấn đề được ngành y tế rất quan tâm. Vì vậy, để giảm tiền túi của người dân cần chuyển đổi mô hình bệnh tật bền vững, tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng, bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân giảm gánh nặng bệnh tật.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, mô hình bệnh tật ở nước ta đã thay đổi rất nhiều, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, trong khi đó nhiều người có bệnh rồi mới đi khám, khiến chi phí khám chữa bệnh rất cao và hiệu quả chăm sóc y tế kém. Vì vậy, bên cạnh tăng cường công tác dự phòng, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm, cũng cần tăng cường nhận thức của người dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tăng cường độ bao phủ của các chính sách bảo hiểm y tế.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ tiền túi của người dân phải bỏ ra cho công tác chăm sóc y tế nếu đạt mức 30%, đó mới là hệ thống y tế bền vững. Vì vậy, ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm