Đây là thông tin đưa ra tại tọa đàm Dự thảo Công ước của ILO về chấm dứt bạo lực và quấy rối trong công việc do Bộ Lao động, Thương binh và xã hội (MOLISA) và tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam đồng tổ chức ở Hà Nội ngày 28/5.
Sự cần thiết của việc định nghĩa rõ các khái niệm “bạo lực” và “quấy rối”
Từ năm 2015, ILO đã khởi động quá trình xây dựng một bộ tiêu chuẩn lao động quốc tế mới về bạo lực và quấy rối trong công việc. Bà Valentina Barcucci - Chuyên gia, Văn phòng ILO tại Việt Nam - nhấn mạnh, bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc ảnh hưởng tới con người về mặt tâm lý, thể chất và sức khỏe tình dục, nhân phẩm, môi trường gia đình và môi trường xã hội; ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ công và tư và có thể cản trở con người, đặc biệt là phụ nữ, tiếp cận, duy trì và phát triển trong thị trường lao động. Bạo lực và quấy rối không tương thích với sự phát triển của các doanh nghiệp bền vững và tác động tiêu cực tới việc tổ chức công việc, quan hệ tại nơi làm việc, sự tham gia của người lao động, danh tiếng của doanh nghiệp, và năng suất…
Theo bà Valentina, mỗi thành viên, có tham vấn với các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động và người lao động, sẽ nỗ lực đảm bảo rằng, bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc được tập trung giải quyết trong các chính sách liên quan của quốc gia, ví dụ những chính sách về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, bình đẳng và chống phân biệt đối xử, di cư.
Bà Vương Thái Nga - Cán bộ quản lý chương trình “Nhóm dân số dễ bị tổn thương ở khu vực đô thị” thuộc tổ chức Care quốc tế - cho biết, trong dự thảo Công ước hiện nay, đáng chú ý là sự mở rộng phạm vi đối với các khái niệm “bạo lực”, “quấy rối”, “trong công việc” và “người lao động”. Trong đó, thuật ngữ “bạo lực và quấy rối” trong công việc đề cập tới một loạt các hành vi (các nguy cơ) không được chấp nhận, dù xảy ra một lần hoặc lặp lại nhiều lần, nhằm mục đích, gây ra hoặc có khả năng gây ra tác hại về mặt thể chất, tâm lý, tình dục và kinh tế.
“Người lao động” trong dự thảo được quy định bao gồm nhân viên, những người làm việc bất kể tình trạng hợp đồng của họ, những người đang được đào tạo, gồm cả thực tập sinh và người học việc/học nghề, người lao động đã chấm dứt việc làm, tình nguyện viên, người tìm việc và ứng viên xin việc, trong tất cả các ngành, cả ở khu vực kinh tế chính thức và không chính thức, ở khu vực thành thị hay nông thôn.
“Trong công việc” là bất cứ địa điểm hoặc môi trường nào liên quan đến quá trình làm việc, có liên hệ với hoặc phát sinh từ công việc, ví dụ không gian công và tư nơi diễn ra công việc; nơi nghỉ ngơi hoặc dùng bữa, hoặc sử dụng các cơ sở/trang thiết bị vệ sinh, rửa ráy và thay đồ; trong các chuyến công tác hoặc di chuyển liên quan đến công việc, tập huấn/đào tạo, các sự kiện hoặc các hoạt động xã hội có liên quan đến công việc; trong các hoạt động truyền thông liên quan đến công việc được thực hiện thông qua các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông; tại các nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp...
Tiến tới nội lực hóa pháp luật quốc gia
Tọa đàm mang đến cho các bên thông tin cốt lõi nhất về nội dung Công ước và kết quả tham vấn các quốc gia thành viên ILO. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về nội dung được đề xuất cho công ước và liên hệ với tình hình thực tiễn tại Việt Nam cũng như những chỉ dẫn hữu ích cho quá trình sửa đổi Bộ Luật Lao động đang diễn ra.
Bàn về việc sửa đổi quy định phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong Bộ luật Lao động, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) - cho rằng, hiện nay việc nhận diện các hành vi quấy rối tình dục trong thực tiễn rất khó khăn. Vì vậy, cần có quy định cụ thể, đặc biệt là các khái niệm, định nghĩa cần rõ ràng để khi doanh nghiệp, người lao động có thể dễ dàng triển khai quy định này trong cuộc sống, đề ra các giải pháp để bảo vệ người lao động. Việc có được những tiến bộ về mặt luật pháp đối với vấn đề quấy rối tình dục tại Việt Nam là một điểm khởi đầu quan trọng, đưa ra tín hiệu cho thấy Chính phủ và Đảng rất coi trọng vấn đề này và người sử dụng lao động cũng cần phải hành động tương tự...
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết, đoàn đại biểu 3 bên tham gia (gồm đại diện từ Chính phủ, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động) của Việt Nam sẽ tham gia vòng đàm phán cuối về một công ước mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Geneve (Thụy Sĩ) từ ngày 17 đến 19/6/2019 trong khuôn khổ hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 108 - Phiên họp đặc biệt kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tổ chức này. Sự quan tâm của Việt Nam đối với công ước mới này thể hiện cam kết của Việt Nam đối với xu thế toàn cầu về lao động và hội nhập quốc tế.
Tại Hội nghị Lao động Quốc tế sắp tới, tất cả đại biểu có quyền biểu quyết độc lập và tất cả các phiếu biểu quyết đều có giá trị như nhau, bất kể dân số của quốc gia thành viên mà họ đại diện. Sau khi Công ước mới này của ILO được thông qua, các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ xem xét phê chuẩn.
Còn bà Lê Kim Dung - Giám đốc Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam - khẳng định, việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn không chỉ góp phần thúc đẩy hiệu quả kinh tế nói chung mà qua đó, an sinh của người lao động sẽ được gia tăng đáng kể và thúc đẩy việc đảm bảo quyền không bị bạo lực. Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam hy vọng Việt Nam tiếp tục hoàn thiện luật pháp trong nước để dần tiến tới loại bỏ bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc.