Cố vấn nhà nước Myanmar bị truất quyền Aung San Suu Kyi ra tòa

Nhu Thụy
01/04/2021 - 21:12
Cố vấn nhà nước Myanmar bị truất quyền Aung San Suu Kyi ra tòa

Bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: AFP

Bà Aung San Suu Kyi (75 tuổi) - Cố vấn nhà nước Myanmar bị truất quyền trong cuộc chính biến ngày 1/2, đã xuất hiện trong phiên điều trần ngày 1/4.

"Không có tội nào mới được đưa ra", ông Min Min Soe, luật sư của bà Aung San Suu Kyi cho biết.

Trước đó, truyền thông đưa tin bà Suu Kyi có thể bị buộc tội phản quốc. Lần gần nhất bà xuất hiện là qua video tại phiên tòa ngày 1/3. Hôm 31/3, đội ngũ pháp lý và bà Aung San Suu Kyi đã có cuộc trao đổi trực tuyến.

Bà Aung San Suu Kyi

Bà Aung San Suu Kyi


Bà Aung San Suu Kyi đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi bị bắt giữ vào ngày 1/2. Cố vấn nhà nước Myanmar bị bắt giữ ngay khi quân đội tiến hành cuộc chính biến và kiểm soát đất nước, lấy lý do tổng tuyển cử tháng 11/2020 xảy ra gian lận. Các luật sư cho biết bà vẫn mạnh khỏe.

Quân đội Myanmar cáo buộc bà Suu Kyi nhận hối lộ hơn 600.000 USD tiền mặt cùng 11,2 kg vàng. Ngoài cáo buộc tham nhũng, cơ quan chức năng cáo buộc bà vi phạm luật xuất nhập khẩu khi tàng trữ 6 bộ đàm không được đăng ký, vi phạm quy định chống Covid-19 khi vận động tranh cử giữa mùa dịch.

Quân đội Myanmar tuần trước công bố video cựu thủ hiến vùng Yangon Phyo Min Thein thừa nhận nhiều lần đưa hối lộ cho bà Suu Kyi. Chính quyền quân đội còn công bố lời khai của một thị trưởng ở vùng Naypyidaw, cáo buộc đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi có hành vi gian lận bầu cử bằng cách "độn" số lượng cử tri, thậm chí lên gấp ba lần ở một thị trấn. Bà có thể bị cấm tham gia chính trị nếu bị kết tội. Luật sư Min Min Soe khẳng định những cáo buộc này đều bị phóng đại hoặc sai sự thật.

Hiện không rõ bà Suu Kyi bị giam tại đâu. Có thông tin cho rằng bà bị quản thúc tại gia trước khi bị chuyển đến một địa điểm bí mật cuối tháng trước. 

Bà Aung San Suu Kyi

Những người phản đối chính quyền quân sự Myanmar

Từ khi cuộc chính biến xảy ra vào ngày 1/2, hơn 535 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Myanmar. Bà Christine Schraner Burgener - Đặc phái viên Liên hợp quốc về Myanmar cảnh báo nguy cơ xảy ra nội chiến, kêu gọi Hội đồng Bảo an hành động để ngăn chặn cuộc khủng hoảng leo thang ở nước này. 

Cho tới nay, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đều đã áp đặt các biện pháp trừng phạt để thể hiện thái độ trước cuộc chính biến và cách quân đội Myanmar đàn áp người biểu tình. Tuy nhiên, các áp lực ngoại giao quốc tế cho đến nay vẫn chưa tìm được lối thoát cho tình hình ở Myanmar.

Nguồn: Reuters, Global News
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm