Bà Aung San Suu Kyi là Cố vấn quốc gia Myanmar

02/04/2016 - 22:40
Thượng viện Myanmar vừa thông qua dự luật, mở đường cho bà Aung San Suu Kyi tiến thêm một bước trong công cuộc củng cố quyền lực khi được bổ nhiệm làm Cố vấn quốc gia, có vai trò tương đương Thủ tướng.
Bà Aung San Suu Kyi và người bạn thân thiết - tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw 
Dự luật về việc thiết lập chức vụ cố vấn quốc gia vừa được đệ trình, Thượng viện Myanmar đã thông qua ngày1/4 và được chuyển cho Hạ viện thảo luận ngày 4/4 bất chấp việc quân đội phản đối. Với việc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu chiếm đa số ở lưỡng viện, dự luật này sẽ dễ dàng được thông qua thành luật trong thời gian tới. Chức vụ này tương đương với quyền lực của thủ tướng theo nhiệm kỳ 5 năm.
Các chuyên gia nhận định chức vụ “cố vấn quốc gia” là vị trí đứng giữa tổng thống và Quốc hội, sẽ củng cố ảnh hưởng của bà Suu Kyi trong cả hai lĩnh vực hành pháp và lập pháp. Do đó, bà Suu Kyi có quyền chỉ đạo Quốc hội, yêu cầu Quốc hội nhóm họp khi cần thiết, có quyền xem xét tất cả các vấn đề then chốt của chính phủ và điều phối các vấn đề liên bộ. Chức vụ này giúp bà Aung San Suu Kyi có trách nhiệm lớn hơn với tiến trình dân chủ và trong các cuộc thương lượng về hòa bình quốc gia. Cùng lúc đó, không chỉ được bổ nhiệm giữ chức Ngoại trưởng, Quốc hội Myanmar còn đồng ý để bà kiêm nhiệm Bộ  trưởng Văn phòng tổng thống, Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Điện lực và năng lượng. Việc giữ chức Ngoại trưởng sẽ giúp bà Suu Kyi dễ dàng có được ảnh hưởng quốc tế và có chân trong Hội đồng Quốc phòng và An ninh đầy thế lực - một nhóm cố vấn quan trọng của Tổng thống nhưng lại do quân đội chi phối. Sự có mặt của bà tại cơ quan quyền lực này cũng là cách tốt nhất để kiềm chế quân đội, lực lượng vẫn giữ quyền lực chính trị mạnh mẽ khi có tới 1/4 số ghế trong Quốc hội và Tư lệnh quân đội có quyền kiểm soát trực tiếp 3 Bộ quan trọng là Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ Các vấn đề biên giới.
Một số nhà phân tích cho rằng, việc đưa bà Suu Kyi vào danh sách Nội các để thúc đẩy cải cách đất nước, khẳng định tính chính đáng của bà trên cương vị “người chèo lái” con thuyền Myanmar. “Bà Suu Kyi muốn là trái tim của Chính phủ. Bà muốn làm điều đó một cách phù hợp, chính thức và hợp pháp”, ông Trevor Wilson - chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia và là cựu Đại sứ Australia tại Myanmar - nhận định.
Bà Aung San Suu Kyi và 2 con trai 
Dự luật mới sẽ giúp bà Suu Kyi vượt qua điều khoản hiến pháp của chính phủ quân sự cũ ngăn không cho bà nắm quyền vì hai con bà có quốc tịch nước ngoài. Động thái của đảng NLD cũng có thể coi là một nỗ lực nhằm bảo vệ thành viên nữ duy nhất của nội các mới khỏi cáo buộc rằng bà đang hành động trái với hiến pháp bằng việc nắm giữ quá nhiều quyền hành. Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc đảm nhiệm nhiều trọng trách có thể khiến bà Suu Kyi gặp nhiều khó khăn để làm tròn mọi vai trò.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm