Coi chừng trẻ bị loạn thần do nghiện tivi, smartphone

31/08/2017 - 09:20
Hội chứng TIC là rối loạn thần kinh chủ yếu về cơ như cơ mặt, thân và phát âm. Hội chứng này chưa có nguyên nhân rõ ràng, song theo các chuyên gia, cho trẻ xem tivi, điện thoại thông minh nhiều là một trong những lý do khởi phát TIC.
Nháy mắt, nháy mũi liên tục

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), bé Quang Minh (8 tuổi, ở TPHCM) được gia đình đưa đến khám vì thời gian gần đây bé thường xuyên nhún vai ở nhà và cả trên lớp học. Giáo viên cũng đã mời gia đình lên nói chuyện vì cho rằng cháu… đùa giỡn với giáo viên. Sau khi thăm khám, các bác sĩ cho biết, Minh đã mắc hội chứng TIC.

“Thực ra thì lúc đầu, tôi cũng nghĩ là con đùa nghịch, chọc mình thôi chứ không ngờ đó là bệnh. Sau khi được các bác sĩ tư vấn, chia sẻ thì gia đình tôi đã hiểu rõ hơn về hội chứng TIC. Chúng tôi sẽ cố gắng chữa trị để con khỏi bệnh”,  chị Ngân - mẹ cháu Minh - chia sẻ.
3.JPG
Trẻ khám về rối loạn thần kinh tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM


Trước đó, chị Nguyễn Hồng Thanh (ở Kiên Giang) đã chia sẻ câu chuyện của gia đình mình trên mạng xã hội và lập tức thu hút được sự quan tâm của rất nhiều bà mẹ. Theo chị Thanh, thời gian gần đây, con trai 4 tuổi của chị có các biểu hiện như giật nháy mắt liên tục, nôn ói nhiều.

Mới đầu, do cứ tưởng con trêu đùa nên chị Thanh đã la mắng, thậm chí đánh con vì sợ con thành thói quen. Tuy nhiên, chị thấy càng la mắng thì con càng nháy mắt, nháy mũi nhiều hơn. Lo lắng cho con, chị đã đưa cháu lên Bệnh viện Nhi đồng 1 thăm khám và được chẩn đoán là bị hội chứng TIC.

Theo chị Thanh, ngay từ nhỏ, con trai của chị đã rất hiếu động, rất ít khi chịu ngồi yên một chỗ và luôn chạy nhảy khắp nơi. Mỗi lần bé phá không giữ nổi, chị Thanh lại đưa điện thoại cho con xem phim hoạt hình hoặc chơi game.

“Bé chơi từ 2 tuổi đến giờ không hề hấn gì. Mới chỉ 1 tháng trở lại đây thì thấy bé có các biểu hiện giật cơ mặt, nháy mắt, nháy mũi. Không ngờ con lại bị bệnh này. Mình cũng muốn gửi lời cảnh tỉnh với các ống bố, bà mẹ cho con chơi điện thoại, máy tính bảng nhiều thì nên dừng lại”, chị Thanh chia sẻ.

Càng la mắng trẻ thì TIC càng tăng

Bác sĩ Nguyễn Quang Vinh, khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 (TPHCM), cho biết, hội chứng TIC là rối loạn về thần kinh chủ yếu về cơ (cơ mặt, thân và phát âm). TIC có các nhóm là vận động, âm thanh và hỗn hợp cả 2. Khi mắc hội chứng này, trẻ có các biểu hiện như nháy mắt liên tục, giật tay, giật cơ bụng, nấc cục, thậm chí phát ra tiếng như chó sủa…
2.jpg 
Theo bác sĩ Vinh, hội chứng này không có nguyên nhân. Tuy nhiên, việc trẻ xem tivi , chơi game trên smartphone nhiều sẽ khiến cho TIC khởi phát.


Theo bác sĩ Vinh, hội chứng này không có nguyên nhân. Tuy nhiên, việc trẻ xem tivi , chơi game trên smartphone nhiều sẽ khiến cho TIC khởi phát. Số trẻ bị hội chứng này thường xuất hiện nhiều vào mùa hè, bởi giai đoạn này phụ huynh không quản lý con được chặt chẽ.

Bác sĩ Nguyễn Quang Vinh cho biết thêm, hiện mỗi ngày bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 5-7 ca bệnh có liên quan đến hội chứng TIC, độ tuổi từ 4 đến 10, bé trai mắc nhiều hơn bé gái.  Việc chơi game nhiều còn khiến cho trẻ bị tăng cận, viễn thị, vẹo cột sống, vẹo cổ và quên cả việc học hành hay các vận động khác.

“Có nhiều gia đình, cha mẹ rất nghiêm khắc với con nhưng trẻ lại được ông bà nuông chiều nên việc cai nghiện game, phim hoạt hình rất khó khăn. Có nhiều trường hợp, các bác sĩ phải mời cả gia đình vào để thuyết phục, chia sẻ về TIC để chữa cho trẻ”, bác sĩ Vinh kể.

Cũng theo bác sĩ Vinh, bản thân người bệnh bị hội chứng TIC không bị đau đơn gì cả, chỉ khiến cho những người xung quanh thấy “ngứa mắt”. Nếu càng chú ý, la mắng, căng thẳng với trẻ thì TIC càng nhiều, tăng, liên tục.

Việc điều trị hội chứng TIC là điều trị triệu chứng, chủ yếu sử dụng giải pháp tâm lý, nếu nặng quá thì phải dùng thuốc an thần, song việc sử dụng thuốc an thần quá nhiều thì sẽ không tốt. Quan trọng nhất là phải cai game, cai xem phim hoạt hình cho trẻ. Nếu để lâu thì TIC sẽ hình thành nên một tật xấu, khó chữa ở trẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm