“Cơm cháy cô Đèo” - sản phẩm đạt chuẩn OCOP

Phương Tuyền - Nguyễn Bảy
07/11/2022 - 11:05
“Cơm cháy cô Đèo” - sản phẩm đạt chuẩn OCOP

Chị Võ Thị Đèo

Thời gian qua, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tiếp tục được các địa phương trên địa bàn thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, quan tâm phát triển và là nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

"Cơm cháy cô Đèo" là một trong những sản phẩm mà xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đăng ký để triển khai thực hiện.

“Cơm cháy cô Đèo” hướng đến sản phẩm đạt chuẩn OCOP - Ảnh 1.

Sản phẩm "Cơm cháy cô Đèo"

Trải qua thời gian nghiên cứu tìm cho mình công thức làm cơm cháy đáp ứng nhu cầu, khẩu vị của người tiêu dùng, chị Võ Thị Đèo ở ấp Tân Hiệp – xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã tạo ra sản phẩm đặc trưng cho quê hương xã Tân Phú. Vào tháng 10/2022, "Cơm cháy cô Đèo" là sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Là phụ nữ vùng quê, ngay từ nhỏ, chị Võ Thị Đèo chịu khó học hỏi cách làm bánh như bánh bò, bánh ít, bánh tét...

Chị Đèo chia sẻ, bản thân biết đến sản phẩm cơm cháy chà bông này từ cô con gái lớn, mua cơm cháy về ăn mỗi ngày. Sau đó, hai mẹ con mới thử tự làm ở nhà, mới đầu làm cũng gặp không ít khó khăn, sản phẩm làm ra cứng ăn không được, không ngon, do phơi nắng không đủ độ khô và gạo để nấu cơm cháy không xốp. Nhưng không nản ý định, cô cùng con gái tham khảo cách làm trên mạng intetnet phương pháp sấy cơm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chị đã mạnh dạn đầu tư mua máy sấy cơm cháy không phải phụ thuộc vào thời tiết và tránh được tình trạng bụi bẩn, nhiễm khuẩn. Khi mới bắt đầu sử dụng máy sấy để chế biến cơm cháy thì việc điều chỉnh nhiệt độ sấy khi đó cũng chưa đạt cộng với việc chọn lựa gạo nấu cũng là khâu quyết định. Qua nhiều lần thay đổi từ gạo nấu cơm, nấu tấm đến gạo dẻo thì đến nay, cô Đèo đã chọn lựa gạo tấm để nấu cơm cháy.

“Cơm cháy cô Đèo” hướng đến sản phẩm đạt chuẩn OCOP - Ảnh 2.

"Cơm cháy cô Đèo" đã có độ ngon xốp và có lượng khách ổn định

Cơm cháy làm từ gạo tấm ngon cho vị béo, thơm ngon, khi nấu chín có độ dính cao. Sau nhiều công đoạn, "Cơm cháy cô Đèo" đã có độ ngon xốp và có lượng khách ổn định.

Chị cũng chia sẻ, việc chọn lựa nguyên vật liệu có nguồn gốc rõ ràng và quy trình làm ra sản phẩm không sử dụng chất bảo quản. Sản phẩm cơm cháy được làm từ gạo tấm, sấy khô bằng máy sấy điện giòn xốp, thơm ngọt tự nhiên của gạo, không có mùi khét dầu, tạo sự tiện lợi cho người tiêu dùng.

“Cơm cháy cô Đèo” hướng đến sản phẩm đạt chuẩn OCOP - Ảnh 3.

Chị Đèo dự định mở rộng cơ sở sản xuất để tăng lượng hàng bán ra cũng như tạo việc làm thêm cho phụ nữ địa phương

Đi kèm với cơm cháy còn có chà bông thịt heo và nước sốt ớt với công thức nêm nếm đặc sắc cũng được chị Đèo chọn lựa và chế biến bảo đảm tiêu chí nguồn gốc rõ ràng, không chất bảo quản, không phẩm màu, an toàn vệ sinh...

"Từ hồi làm cơm cháy đến giờ thì kinh tế gia đình cũng thoải mái hơn, hai đứa con có điều kiện học hành đàng hoàng. Dự định, trong thời gian tới tôi sẽ mở rộng diện tích đất trống trước nhà làm xây thành nơi chế biến lớn hơn phòng hiện tại" - Chị Đèo thông tin.

Được biết, mỗi ngày gia đình chị Đèo tiêu thụ khoảng 20kg gạo, tạo việc làm cho 2 lao động nữ thời vụ.

Với những đặc tính ưu việt đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nên sản phẩm "Cơm cháy cô Đèo" không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà đã mở rộng thị trường ở các huyện tỉnh lân cận như Tân Phước, Châu Thành và tỉnh Long An.

Với mong muốn mở rộng quy mô sản xuất, nhiều địa phương biết đến sản phẩm cơm cháy do gia đình cô Đèo làm ra, sản phẩm "Cơm cháy Cô Đèo" đang được xã Tân Phú chọn đăng ký tham gia sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm