Con dâu 18 năm hiếu thuận với mẹ chồng

16/11/2019 - 11:00
“Cứ nghĩ đơn giản và sống lạc quan là cảm thấy nhẹ nhàng. Xem nhà chồng như nhà ba mẹ ruột của mình là vượt qua được mọi khó khăn. Hoàn cảnh của mình như vậy rồi, nếu u buồn thì không làm việc được. Điều tôi mong ước bây giờ là cả nhà luôn đủ ăn đủ mặc, sống vui vẻ bên nhau”, chị Tạ Ngọc Thùy (phường 7, quận Tân Bình, TPHCM), chia sẻ.

Chị không ước mơ đổi đời, không ước mơ có nhiều tiền, chị chỉ mong  cả gia đình luôn vui vẻ sống bên nhau như hiện tại. Niềm mong ước đơn giản đó đã nói lên tất cả tấm lòng của người phụ nữ tuổi tứ tuần vừa hiếu thảo vừa lạc quan tin yêu cuộc sống. Đó là câu chuyện của chị Tạ Ngọc Thùy (sinh năm 1977) - 1 trong 48 gương “Người con hiếu thảo” năm 2019 vừa được nhận giấy khen do Hội LHPN TP.HCM phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên TPHCM trao tặng.

 

Chị Thùy trả lời phỏng vấn tại lễ tôn vinh “Người con hiếu thảo TPHCM” năm 2019

  

Nhà toàn… bệnh nhân 

Đến số nhà 9/2/19 Chữ Đồng Tử (phường 7, quận Tân Bình) không ai là không biết đến chị Ngọc Thùy là một gương điển hình người con hiếu thảo. Chị vừa là trụ cột kinh tế vừa chăm lo cho mẹ chồng bị liệt vừa lo cho anh chồng và chị chồng bị bệnh tâm thần trong suốt 18 năm qua.

 

 Ai cũng thương vì sinh hoạt của cả gia đình đổ dồn lên vai chị. Chị bắt đầu một ngày mới với việc chăm lo cho mẹ chồng và vệ sinh cho anh chị chồng bị tâm thần. Sau đó, chị đi bán hành và tỏi dạo. Trưa chị lại tranh thủ quay về nhà lo cơm nước, chiều lại đi bán hàng.

 

Chị Thùy têm trầu cho mẹ chồng

 

18 năm làm dâu là 18 năm chị gánh trên vai cả một gia đình lớn. Tiền ăn, tiền thuốc... đều trông chờ vào từng gánh hành, gánh tỏi mà chị bán hàng ngày. Chồng chị làm nghề shipper nên đồng lương cũng không cao. Thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng dao động từ 8 đến 9 triệu, tùy thuộc vào lúc đắt hàng lúc vãn khách. Vợ chồng chị còn phải lo con học lớp 12, đang trong giai đoạn tập trung cho năm cuối cấp. Chị Thùy cũng đang mang bầu đứa con thứ 2 được 5 tháng.

 

Những năm về trước, mẹ chồng còn khỏe mạnh thì có thể phụ giúp anh chị chăm lo cho anh chị chồng, nhưng vài năm gần đây, mẹ chồng chị ngày càng lớn tuổi và bị liệt 2 chân nên ngồi tại chỗ. Bà còn bị nhiều bệnh người già như bệnh tim, bệnh phổi và mờ mắt. Mỗi tháng tiền thuốc men cho bà lên đến 3 triệu đồng. Người chị gái của chồng bị bệnh tâm thần tiền thuốc mỗi tháng phải chi hơn 2 triệu đồng và người anh trai kế chồng cũng bị bệnh tâm thần. Tiền thuốc lo cho anh trai được địa phương hỗ trợ.

 

Lạc quan để vượt khó 

Khi tiếp xúc với chị, điều chúng tôi cảm nhận được đầu tiên là sự lạc quan. Chính chị đã truyền cảm hứng cho chúng tôi về sự tin yêu ở cuộc sống, nghị lực vượt lên hoàn cảnh để dành những điều tốt đẹp nhất cho đấng sinh thành. Chị như ngọn lửa ấm áp giữa cuộc sống thường nhật góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống cao đẹp của người Việt, để lại những bài học về tình yêu thương, sẻ chia và sự hy sinh cho thế hệ trẻ noi theo.

 

Chị Thùy luôn hiếu thuận với mẹ chồng và anh chị chồng bị tâm thần.

 

Khi chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình, chị không than vãn một câu mà còn kể những chuyện vui trong gia đình. Chị kể chuyện anh chị chồng bị bệnh tâm thần nên tính cách giống như đứa trẻ lên 3, lúc nào cũng phải dỗ dành và cho quà mới chịu uống thuốc. Chị Thùy nhớ lại: “Trong nhà có nhiều người vậy đó mà anh chị lúc nào cũng đợi tôi về cho uống thuốc. Các anh chị khác biểu uống là không chịu. Nhiều lúc còn ném hết thuốc ra ngoài đường. Hay như chị chồng, chị ấy rất thích dây xu, lấy rất nhiều dây xu đeo vào tay, nhiều lúc đeo kín hết cả cánh tay. Tôi sợ đeo lâu như vậy sẽ bị tê tay vì máu không lưu thông được nên bắt bỏ ra. Cả nhà ai bảo cũng không chịu nghe lời, chỉ mình tôi bảo là chị ấy làm ngay. Ở với anh chị riết rồi nên tôi hiểu tính, tôi phải dỗ dành như em bé vậy đó”.

 

Chị Thùy còn tâm sự rằng, cuộc sống gia đình thoáng nhìn thì nhiều người nghĩ chị sẽ không đảm đương nổi thế nhưng nhờ đức hy sinh và tinh thần lạc quan, chị đã làm được. Với chị, gia đình bây giờ đang hạnh phúc, vợ chồng thuận hòa, con cái chăm ngoan học giỏi, mẹ chồng tuy ngồi tại chỗ nhưng mẹ rất minh mẫn và thấu hiểu, chị thường hay tâm sự với mẹ chồng chuyện buồn vui trong cuộc sống.

 

Bà Trần Thị Phượng, mẹ chồng chị Thùy cho biết: “Con dâu của tôi tốt lắm, tôi coi nó như con đẻ vậy. Mười mấy năm về chung với nhau nhưng hai mẹ con chưa một lần to tiếng. Con dâu vừa lo chồng con vừa lo cho tôi và anh chị chồng, cả năm chả kêu ca gì cả, thương lắm”.

 

“Cứ nghĩ đơn giản và sống lạc quan là cảm thấy nhẹ nhàng. Xem nhà chồng như nhà ba mẹ ruột của mình là vượt qua được mọi khó khăn. Hoàn cảnh của mình như vậy rồi, nếu u buồn thì không làm việc được. Điều tôi mong ước bây giờ là cả nhà luôn đủ ăn đủ mặc, sống vui vẻ bên nhau. Tôi còn đang lo cho con đầu đi học và chuẩn bị đứa thứ hai. Lúc trước tính sinh một đứa thôi vì thấy gia cảnh cực quá. Nhưng bây giờ vỡ kế hoạch thì nuôi luôn, cho con có chị có em”, chị Thùy vui vẻ nói.

 

Hiện nay, chị Thùy còn là Tổ phó Phụ nữ 41 thuộc Chi hội Phụ nữ khu phố 4, phường 7. Chị luôn nhiệt tình tham gia hoạt động xã hội và được người dân trong khu phố quý mến.

 

Cuộc sống của chị Thùy ắt hẳn còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn nghe được tiếng nói cười trong căn nhà nhỏ ấy. Họ đang dìu dắt nhau đi qua chông gai. Họ xây dựng gia đình bằng tình thương, lòng hiếu thảo và sự sẻ chia.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm