pnvnonline@phunuvietnam.vn
Con gái bị cô lập ở trường, mẹ có cách xử lý khéo
Ảnh minh họa
Là cha mẹ, chắc chắn không muốn nhìn thấy con cái mình trở thành kẻ bắt nạt người khác, càng không thể chịu nổi một khi con trở thành nạn nhân bị bắt nạt. Để tránh con rơi vào hoàn cảnh này, ngoài việc luôn thương yêu chăm sóc thì phát hiện kịp thời, xử lý tình huống hợp lý là vô cùng quan trọng.
Một bà mẹ ở An Huy (Trung Quốc) mới đây chia sẻ câu chuyện của con mình: Ngày nọ, chị vô tình biết "bí mật" của con gái. Gần đây đứa trẻ thường chơi trò chơi "mèo và chủ sở hữu" ở trường. Con gái cô sẽ là "con mèo" và ít nhất 7 hoặc 8 người bạn cùng lớp là "chủ sở hữu" của đứa trẻ.
Mỗi ngày trong giờ học, đứa trẻ phải tuân theo sự sắp xếp của "chủ" vô điều kiện, chẳng hạn như: Chủ yêu cầu uống nước, con sẽ uống nước; chủ bảo làm nũng phải làm nũng; bảo con đi đuổi đánh các bạn học khác, con cũng phải làm theo...
Bà mẹ rất sốc, không nghĩ rằng môi trường của học sinh tiểu học đã trở nên phức tạp như vậy. Cô thậm chí còn sợ hãi hơn khi nghĩ tới chuyện, điều gì sẽ xảy ra nếu "chủ sở hữu" yêu cầu đứa trẻ làm những điều nguy hiểm đến bạn học và chính bản thân trẻ?
Nguyên nhân hé lộ từ cuộc trò chuyện ngắn
Người mẹ cẩn thận nói với con gái: "Con là chủ sở hữu của riêng con, ngay cả cha mẹ cũng chỉ có thể cho con lời khuyên, không ai được ra lệnh con cả". Tuy nhiên, đứa trẻ dường như không để tâm đến một lời nào.
Bà mẹ tức giận: "Điều gì sẽ xảy ra nếu chủ sở hữu yêu cầu con cướp tiền của các bạn cùng lớp khác? Con cũng nghe sao?".
Đến đây, đứa trẻ thực sự bối rối, bật khóc trả lời mẹ: "Mẹ ơi, con thực sự không biết phải làm gì. Nếu con không tham gia trò chơi, các bạn sẽ tẩy chay và không cho cả lớp chơi với con".
Bà mẹ hít một hơi thật sâu. Rõ ràng, đứa trẻ biết rằng "cướp tiền" là bất hợp pháp, nhưng một khi "chủ sở hữu" ra lệnh, chắc chắn con không dám từ chối! Nhận thức này làm cho người mẹ sợ hãi. Thì ra, dưới "trò chơi bất bình đẳng" này, nguyên nhân thực sự khiến con gái cô không dám nói "không" là sợ bị cô lập, không có bạn bè.
"Là cha mẹ, chúng tôi luôn giáo dục con không được bắt nạt người khác, cũng không sợ bị bắt nạt, cha mẹ sẽ luôn đứng đằng sau con. Nhưng không thể ngờ rằng, "bắt nạt" của trường học lại thâm nhập vào trò chơi một cách tinh quái như vậy.
Hai vợ chồng tôi đồng ý rằng phải báo cáo vấn đề này cho giáo viên, nhưng cả hai chúng tôi cũng biết rằng, điểm mấu chốt phải giải quyết đầu tiên chính là ở con mình. Con nghĩ rằng con không đủ tốt để có được bạn bè, phải lôi kéo người chơi cùng theo cách "làm hài lòng" người khác", bà mẹ chia sẻ.
Hai điều bà mẹ nói với con
1. Con rất tốt, không cần phải thay đổi bản thân để làm hài lòng người khác
Trên thực tế, khi nghe con gái nói rằng mình là "con mèo của chủ sở hữu", bà mẹ đã rất tức giận và muốn chất vấn con: "Tại sao con lại nghịch ngợm và không vâng lời trước mặt cha mẹ nhưng ở bên ngoài như vậy nhút nhát như một con sâu thế chứ?". Nhưng nghĩ lại, lúc này không nên chỉ trích mà nên kiên định đứng ở phía sau con, nói cho con biết: Con không làm gì sai cả. Kẻ sai là kẻ bắt nạt người khác.
Hai vợ chồng cô đã tìm kiếm rất nhiều trường hợp bắt nạt thực sự.
"Ví dụ như diễn viên Lưu Diệc Phi được gọi là thần tiên tỷ tỷ vạn người mê, nhưng khi đang học ở Mỹ, dù chỉ ngồi yên một chỗ cũng bị người ta đến túm tóc, vẽ bậy lên người vì quá xinh đẹp. Hay như Tôn Diệc Đình, một thần đồng 8 tuổi đã tham gia "Tối cường đại não" cũng từng bị bắt nạt rất nhiều: Bị bạn học bóp cổ; cướp đồ dùng học tập, riêng bút chì đã mất cả 100 cây. Nguyên nhân cũng rất khó tin, chỉ bởi cậu bé luôn được giáo viên khen ngợi", bà mẹ chia sẻ.
Cô con gái nghe xong những câu chuyện này đã rất ngạc nhiên: "Mẹ, họ giỏi như vậy vẫn bị xem thường sao?".
Bà mẹ nói với con gái: "Con có thể nghĩ rằng con không được bạn bè yêu thương bởi vì mình không đủ tốt. Nhưng không! Con thấy đấy, Lưu Diệc Phi xinh đẹp như vậy, Tôn Diệc Đình ưu tú như vậy, có rất nhiều người thích, cũng có người không thích, đây là chuyện bình thường.
Theo quan điểm của mẹ, con tốt bụng, lịch sự, những người thích con là bạn bè. Những người không muốn làm bạn với con, đó là vì họ đã không tìm thấy điểm tốt của con. Chúng ta không cần phải thay đổi suy nghĩ của họ, chúng ta sẽ làm tốt khi được là chính mình".
2. Ai cũng có quyền lựa chọn bạn bè, nhưng cô lập và bắt nạt người khác là sai
"Cô lập và bắt nạt bạn học, giống như vượt đèn đỏ, bất kể lý do gì cũng không đúng, chúng ta nhất định phải ngăn chặn ngay từ đầu. Nếu không thể, con sẽ phải yêu cầu sự giúp đỡ của giáo viên và phụ huynh ngay lập tức", bà mẹ nói. Sau đó, bà mẹ kể cho con nghe một vài câu chuyện cụ thể về hậu quả của việc che giấu chuyện bị bắt nạt.
Tới đây, cô bé cuối cùng cũng gật đầu, đồng ý cho mẹ nói chuyện này cho giáo viên. May mắn thay, giáo viên rất coi trọng vấn đề này. Với sự giúp đỡ của cô giáo, đứa trẻ từ đó không bao giờ chơi trò chơi "mèo và chủ sở hữu" nữa. Con cũng không bị cô lập, vì thế vô cùng hạnh phúc.
"Tất nhiên, điều này đã cho tôi một cảnh báo tuyệt vời. Ngoài việc học, tôi cũng bắt đầu hướng dẫn con gái mình giao tiếp xã hội. Tôi thường chủ động mời các bạn cùng lớp của con gái đến nhà chơi, hoặc tổ chức các hoạt động du lịch để mời các bé tham gia. Một là giúp con gái kết bạn nhiều hơn; thứ hai, hướng dẫn con gái sàng lọc những người bạn tốt.
Tôi không can thiệp vào quyền tự do kết bạn của con nhưng thảo luận với con những vấn đề: Bạn bè là gì? Có khó để có được một người bạn thực sự? Làm thế nào mình có thể giúp đỡ các bạn cùng lớp không có bạn bè? Bạn bè bảo con làm những điều xấu với nhau, những gì con từ chối có được coi là phản bội không? Có cách nào cụ thể để giúp đỡ các bạn cùng lớp bị cô lập không?", bà mẹ chia sẻ.
Cho đến bây giờ, đứa trẻ đã có những người bạnnhư hình với bóng, quan trọng nhất, tính cách của con vui vẻ hơn nhiều, gặp phải bất cứ điều gì cũng sẽ tâm sự với bố mẹ kịp thời. Tình cảm gia đình vì thế cũng vô cùng khắng khít.