pnvnonline@phunuvietnam.vn
Con gái khăng khăng không lấy chồng vì sợ lặp lại "vết xe đổ" của mẹ
Tâm sự buồn đầu năm của bà mẹ thực sự khiến Thanh Tâm vô cùng suy nghĩ. Thanh Tâm mong muốn có thể giúp người mẹ cởi mở hơn với các con của mình, nói được hết suy nghĩ của mình, thoát khỏi những cảm xúc đau khổ không đáng có vì những quan niệm, cách sống của các con.
Chị có 2 con gái, mỗi người một cá tính. Đối diện với cảnh bố mẹ thường xuyên cãi nhau, chúng có cách phản ứng khác nhau. Ngay từ nhỏ, khi chứng kiến những cảnh như thế, một đứa thì thường xuyên chạy lại bênh mẹ, cãi tay đôi với bố rồi để bố "điên" lên, đánh mắng cả mẹ lẫn con. Đứa còn lại thì nép mình, ngồi khóc, khiến người mẹ cảm thấy cuộc sống bất lực.
Vậy là khi 2 con lớn lên, chúng cũng có cách sống khác nhau. Con lớn tuy đã 30 tuổi, công việc khá ổn định và có thu nhập cao nhưng lại không muốn yêu đương hay có ý định lập gia đình. Chị rất lo lắng, giới thiệu cho con một vài mối, là con của những người bạn thân. Nhưng con gái chị đều từ chối, không gặp mặt, không nhắn tin làm quen. Chị đã trò chuyện với con, tại sao con lại không yêu, con trả lời rằng: "Con không muốn lấy chồng rồi lại khổ như mẹ! Con không muốn lặp lại cuộc đời như mẹ!"... Những câu nói như cứa vào tim, khiến chị cảm thấy đau lòng. Có lẽ bởi vì nó đã phải chứng kiến quá nhiều cảnh bố say rượu đánh mẹ, bố ghen tuông mù quáng đến mức đốt cả quần áo... Chị đã từng muốn li hôn nhưng rồi nhìn 2 đứa con thơ lại cố nhẫn nhịn để chúng có một gia đình trọn vẹn. Nhưng giờ đây chị thấy hối hận vì nghĩ quyết định đó có thể không đúng đắn.
Năm ngoái, con gái út của chị đã lấy chồng. Tính đứa út tình cảm, mở lòng hơn chị gái. Bởi vậy tình yêu đến với nó cũng nhẹ nhàng. Nó lấy được một người chồng tốt và có một gia đình chồng hiện đại. Bố mẹ chồng tâm lý, quan tâm nó như con gái. Cả nhà yêu thương, thường xuyên chia sẻ và có sở thích chung là chụp ảnh để lưu giữ những khoảnh khắc. Mỗi khi trong gia đình có ai gặp vấn đề gì, cả bố và mẹ sẽ cùng các con nghĩ cách giải quyết các vấn đề đó. Và con gái chị quá yêu gia đình ấy. Trong tâm trí nó, hiện tại chỉ có gia đình chồng. Nó thích ở nhà chồng hơn và đôi khi chị cảm thấy, nó không còn muốn trở về nhà mẹ đẻ.
Từ khi con gái út sinh em bé, nó càng về nhà ít hơn. Phụ nữ sinh con thường có xu hướng muốn được về và sống cùng bố mẹ đẻ, ở cùng nhà ngoại. Nhưng con gái chị thì ngược lại, nó bảo ở bên ngoại buồn lắm, ở nhà nội vui hơn. Vậy là từ khi có cháu ngoại, chị mới được bế ẵm cháu vài lần. Lấy lí do dịch bệnh, nó ở miết bên nhà nội. Ngay cả Tết vừa rồi, thay vì về nhà chúc Tết bố mẹ, nó chỉ gửi hộp bánh với cái phong bì, nhờ người quen mang về cho bố mẹ, sau đó gọi điện nói mùng 4 Tết nếu thuê được xe, sẽ sang chúc Tết bố mẹ. Tuy trong lòng cũng mừng cho con nhưng chị nói với Thanh Tâm: "Tôi cảm thấy rất tủi thân!".
Chị cứ hỏi Thanh Tâm, phải chăng vì những gì xảy ra trong quá khứ, cảnh bố mẹ không hạnh phúc đã in sâu vào trong tâm trí của những đứa trẻ, khiến chúng sợ gia đình này. Con gái lớn vừa hỏi ý kiến chị: "Con không đủ dũng cảm để đối diện với hôn nhân nhưng thực sự con muốn có một đứa con. Nếu con làm mẹ đơn thân, mẹ có đồng ý không?". Lòng chị lại quặn thắt. Chị hiểu suy nghĩ và tình cảm của con nhưng cứ ước, nó có một gia đình hạnh phúc như em gái nó thì dẫu chúng có không về, chị cũng thoả lòng.
Chị mong Thanh Tâm nghĩ cách giúp con gái lớn mở lòng để yêu. Chị muốn con được hạnh phúc, được yêu thương chứ không phải chìm đắm trong nỗi bất hạnh của mẹ suốt cả đời...
Thanh Tâm chia sẻ với những nỗi lòng của chị. Quả thật những kí ức không hạnh phúc của bố mẹ đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của 2 con, khiến chúng có những suy nghĩ và ám ảnh, lo lắng. Mỗi con của chị có một cách cân bằng cảm xúc của mình. Nếu cứ mong muốn các con cư xử bình thường sẽ là điều không tưởng. Vì vậy, chị không nên nghĩ ngợi, suy diễn rồi buồn tủi mà hãy khuyến khích, phân tích thiệt hơn những điều đem lại cho các con niềm vui, hạnh phúc.
Con gái út của chị đã tìm thấy hạnh phúc của mình và đang nỗ lực gìn giữ. Nếu như điều gì con khiến chị buồn, chị đừng ngại tâm sự cùng con. Điều đó sẽ giúp con điều chỉnh. Còn con gái lớn đã 30 tuổi, là độ tuổi đủ trưởng thành để quyết định mọi việc của bản thân. Vợ chồng đến với nhau là duyên phận, không cố được. Nếu việc làm mẹ đơn thân khiến con cảm thấy hạnh phúc và an toàn thì chị hãy đồng hành cùng con. Chắc chắn sự ủng hộ và phân tích của mẹ sẽ giúp cho con gái chị có những quyết định đúng đắn.
Chúng ta không thể xoay ngược thời gian để làm mọi việc khác đi nên đừng tự đổ lỗi cho bản thân. Quan trọng là từ nay về sau, chị đón nhận những niềm vui, hạnh phúc của các con như thế nào. Thanh Tâm mong sự nhẹ nhõm trong lòng chị sẽ khiến cả ba mẹ con vui vẻ, hạnh phúc.