pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Con gái ngoan của tôi nói bậy” - Cứ nói bậy là thiếu giáo dục hay chuyện đi tìm chuẩn mực chung của bố mẹ và con cái hiện đại
"Thầy gay chúng mày ơi", "Xem hentai (các ấn phẩm truyện tranh, hoạt hình có nội dung khiêu dâm - PV) đi thầy ơi."... Đó là một vài bình luận để lại trong các bài giảng online mùa dịch Covid-19 phát trên Youtube trong vô vàn những bình luận tục tĩu không thể trích dẫn. Chủ nhân của những dòng bình luận đó được cho là học sinh lớp 9 và học sinh THPT.
Thầy cô điếng người, phụ huynh ngỡ ngàng, dù rằng chuyện học sinh nói tục chửi bậy đã cũ từ… thập kỷ trước. Chúng được bàn tới bàn lui với đủ giải pháp ngăn chặn phòng chống, đã đi vào cả nội quy luật lệ trường lớp nhưng dường như chúng vẫn đang được sử dụng nhiều cả thế giới ảo lẫn không gian thật.
Mỗi lần có một vụ việc nổi cộm, trên mạng hay cả đời thực, diễn đàn làm cha mẹ lại diễn ra một cuộc bàn luận rôm rả về hành vi ngôn ngữ xuống cấp của học sinh thế hệ Z. Lại là những quy kết cho sự buông lỏng dạy dỗ của cha mẹ, lại là những phán xét cho sự hổng hoác của giáo dục đạo đức trong nhà trường. Người lớn tiếp tục đổ lỗi cho nhau bằng rất nhiều phân tích, lập luận đanh thép, mà trong đó, chúng ta đặt ngôn ngữ vào phạm trù đạo đức.
Nhưng ai trong số đám người lớn chúng ta tự tin rằng: Tôi chưa từng nói bậy trong đời?
Câu chuyện về hai bà mẹ có con gái thuộc hàng "con ngoan trò giỏi" dưới đây có lẽ sẽ khiến nhiều phụ huynh phải thay đổi góc tham chiếu của mình về đạo đức ngôn ngữ của con trẻ hôm nay.
"Nếu mẹ cấm con không được chơi với ai nói bậy thì con sẽ không chơi với cả cái trường này"
Con gái học lớp 8 của chị Minh đã tuyên bố với mẹ như thế trong nước mắt, khi cô bé bị mẹ phát hiện ra đoạn chat chứa toàn những từ ngữ nhạy cảm. Dù cô bé không nói bậy nhưng những người bạn trong nhóm chat đều nói năng "bậy bạ", "vô văn hóa" theo nhận xét của chị Minh.
Chị Minh kể chị đã "sốc không thở nổi", không tin được con gái mình lại chơi với những người bạn như thế. Cô bé học giỏi, thông minh, ý thức chỉn chu, chưa bao giờ để mẹ phải nhắc nhở bất kỳ chuyện gì. Chị luôn tự tin con mình biết "chọn bạn mà chơi". Nhưng mọi thứ vượt ngoài khả năng hình dung của chị.
Ngay lập tức, chị Minh thực hiện một loạt hành động "đánh chặn" cứng rắn: Răn đe con, tịch thu điện thoại, yêu cầu con không được tiếp tục chơi với các bạn trong nhóm, thông báo với cô giáo chủ nhiệm cùng phụ huynh học sinh trong lớp để yêu cầu kỷ luật. Hành động ấy của chị Minh sau này bị con gái giận dữ nhận xét: "Mẹ khiến con cảm thấy vô cùng nhục nhã với bạn bè".
Nhưng tại thời điểm ấy, chị Minh tin mình đã làm rất cả những gì chính đáng nhất, có trách nhiệm nhất với con và các bạn con. Vì rằng, bọn trẻ cần biết chúng đã xấu xí như thế nào để mà sửa đổi.
Chị Lan Anh cũng gặp phải câu chuyện tương tự, chỉ có điều người nói bậy chính là con gái đang học lớp 9 của chị, một cô bé ngoan ngoãn và "giỏi văn". Cú sốc của chị bắt nguồn từ một lần tò mò vào trang cá nhân của con. Trong phần bình luận công khai với bạn bè, cô bé sử dụng tiếng lóng tục tĩu một cách thành thạo và thậm chí không thèm viết tắt.
"Tôi thừa nhận mình cũng thi thoảng nói bậy với bạn, nhưng chưa bao giờ dám nói trực diện hay viết thẳng một từ bậy bạ ngay cả trong những cuộc riêng tư nhất. Nhưng con gái tôi mới lớp 9, mới 15 tuổi, lại rất ngoan, đã làm điều đó", chị Lan Anh kể, không quên mô tả rằng: "Mọi thứ như đổ sụp xuống dưới chân tôi. Tôi cảm thấy mình thực sự thất bại trong việc làm mẹ".
Khác với chị Minh, chị Lan Anh chọn cách tâm sự với con. Bằng rất nhiều nước mắt, chị giải thích với con rằng từ bậy mà con dùng có nghĩa như thế nào, khuyên nhủ con rằng một cô gái có giáo dục thì cần nói năng ra làm sao, và rằng mẹ đã thất vọng đau khổ nhường nào.
Con gái chị đã im lặng như một khúc gỗ trong suốt buổi nói chuyện, và sau khi được mẹ cho phép về phòng, đã đứng lên mà không một lời xin lỗi.
Các con của chị Minh và chị Lan Anh đều nằm trong nhóm "con ngoan trò giỏi", đều "nói bậy" và đều có phản ứng quyết liệt không khoan nhượng khi bị cha mẹ "phát giác" chuyện nói bậy. Bởi như giải thích của con gái chị Minh: "Con sẽ không nói chuyện được với ai nếu con nói bằng ngôn ngữ của mẹ", hay như lời tuyên chiến sau này của con gái chị Lan Anh: "Khi cả thế giới cùng nói từ bậy đó thì từ đó không còn là từ bậy nữa" và "Những từ đó với mẹ có nghĩa kinh khủng như mẹ nói, nhưng với con nó không có nghĩa gì cả."
Con cái chúng ta hư hỏng hay chúng ta quá thừa chuẩn mực mà thiếu "kỹ năng sống"?
Khi đã giải quyết ổn thỏa mối quan hệ với con gái sau một thời gian dài đóng băng vì chuyện nói bậy của con, chị Lan Anh thừa nhận có những khác biệt thế hệ mà chị phải chấp nhận hạ mình xuống ngang bằng với con để định nghĩa lại các khái niệm đạo đức thỏa đáng hơn.
"Định nghĩa về hư hỏng của thế hệ tôi và thế hệ con tôi hoàn toàn khác nhau về một loạt hành vi. Thời tôi học cấp 2 mà đã tô son, đánh phấn là hư rồi. Giờ thì học sinh lớp 4, lớp 5 cũng biết trang điểm. Càng những bà mẹ từng là con ngoan trò giỏi năm xưa thì sự khác biệt thế hệ với con cái càng lớn, có lẽ bởi trải nghiệm tuổi học trò ngày xưa quá ít ỏi, chỉ biết tới sách vở mà không biết về cuộc sống đa dạng ngoài xã hội", chị Lan Anh chiêm nghiệm từ bản thân mình.
"Nếu như tôi từng nói tục chửi bậy, từng phá phách nghịch ngợm thủa học trò, tôi nghĩ mình sẽ dễ dàng thông cảm và hiểu con hơn.
Mẹ con tôi đã không mất nhiều thời gian để hàn gắn như những tháng qua. Cho đến giờ, tôi vẫn chỉ có thể chấp nhận mà không thể xem những gì con chat với bạn hay bình luận trên mạng là bình thường. Chuẩn mực của tôi khác với chuẩn mực của nhiều bạn bè cùng thế hệ mình, những người không phải con ngoan trò giỏi như tôi, và càng khác với các con tôi, thế hệ không muốn xem bất kỳ thứ gì là chuẩn mực", chị Lan Anh nói.
Ngược lại với chị Lan Anh, chị Minh và con gái vẫn chưa thể hòa giải. Chị đưa ra đủ các lập luận để khẳng định nói bậy chửi tục trong mọi hoàn cảnh là thiếu giáo dục, con gái chị kiên quyết khẳng định nói bậy chửi tục đúng nơi đúng chỗ là điều chấp nhận được. Thậm chí, cô bé còn khiến mẹ choáng váng khi so sánh nói bậy với chuyện tình dục: "Xấu hay đẹp là do không gian nó được diễn ra".
Lần gần đây nhất, hai mẹ con chị Minh đề cập tới chuyện cũ là vụ việc bình luận thô tục trong bài giảng online. Cô bé chung nhận xét với mẹ đó là hành động xấu xí, nhưng không đồng tình khi mẹ dùng từ nặng nề "vô giáo dục", "hư hỏng", "đạo đức xuống cấp" với chủ nhân của các bình luận "bẩn".
"Con nói với tôi rằng, các bạn ấy có thể không học giỏi, không thích học nên mới rảnh rỗi vào bài giảng online để nói linh tinh nhưng hoàn toàn không có ý định xấu. Con cho rằng những học sinh kia đang tuổi thích ngông, thích thể hiện, thích nói bậy nơi công cộng để chứng minh mình đã lớn, thậm chí còn ngu ngơ không ý thức được có rất nhiều cha mẹ cũng đang xem clip cùng mình. Chúng không nghĩ những câu đùa cợt ấy là thô tục, mà chỉ nghĩ nó rất vui, rất "ra gì". Một đứa nói được, những đứa khác sẽ hùa theo để nói, thể hiện bản thân", chị Minh chia sẻ.
"Mẹ nên bớt phán xét người khác - Con nói gay gắt với tôi", chị Minh thổ lộ. Lần đầu tiên, ở tuổi ngoài 40, chị Minh thấy mình thiếu kỹ năng sống trước những biện luận về xã hội của con. Chị nghĩ về chuyện mình từng kỳ thị người xăm hình ra sao, chuyện vẫn dị ứng khi gặp người đồng tính như thế nào, rồi so sánh với cách nhìn rộng lượng, cởi mở của con khi con xem tất cả những chuyện đó là quyền cá nhân cần được tôn trọng.
"Những người làm cha mẹ chúng mình dường như đã sống với quá nhiều chuẩn mực, rồi tự cho mình quyền phán xét người khác, phán xét cả con mình bằng chuẩn mực của mình, mà chuẩn mực ấy chưa chắc đã là chuẩn mực".
Chị Trần Mai Anh - mẹ nuôi của "chú lính chì" Thiện Nhân - cũng từng chia sẻ về chuyện những cậu con trai của mình nói bậy. Chị khẳng định đó là điều bình thường, bởi "người lớn mình cũng thế", và thậm chí cho phép các con "nói bậy" trong không gian của chúng. Điều quan trọng là chúng hiểu các quy định về ăn nói của nhà trường, thầy cô, cha mẹ và giao tiếp xã hội.
"Cũng phải nhấn mạnh là, một số từ ngữ mà cha mẹ cho là bậy bạ, khó chịu thì với chúng lại chỉ là một loại ký hiệu như cái icon mặt cười mà người lớn hay sử dụng mà thôi", chị Mai Anh khẳng định.
Sẽ cần thời gian để mẹ con chị Minh, mẹ con chị Lan Anh tìm được tiếng nói chung, và xây dựng một chuẩn mực chung. Nhưng trên hết, họ đã dần dần hạ mình xuống, cởi bỏ những chuẩn mực và định kiến riêng để lắng nghe một quan điểm khác.
Và có lẽ, người lớn chúng ta cũng nên bắt đầu từ việc dừng đánh đồng chuyện nói bậy với chuyện đạo đức, để lắng nghe và để hiểu những ký hiệu ngôn ngữ của con trẻ. Từ đó mới có thể hướng dẫn chúng cách sử dụng ngôn ngữ thân thiện và hợp bối cảnh, từ bỏ dần cách nói năng xấu xí và sai bối cảnh.
Tất nhiên để được như vậy, chúng ta - những người lớn - phải thực sự chuẩn mực và thân thiện bằng lời nói với nhau trước đã.