pnvnonline@phunuvietnam.vn
Con gái nhạc sĩ Thanh Tùng: Lời thì thầm dành cho cha
Nhạc sĩ Thanh Tùng và con gái
Tình cảm sâu đậm với người vợ duy nhất
Thời còn đi học, Thanh Tùng có một người bạn thân học chung lớp. Ông thường đến nhà bạn chơi và rồi đã đem lòng yêu thương cô em gái của bạn mình. Phạm Thị Minh là tên cô gái ấy. Sau một thời gian, hai trái tim đã rung cùng tần số và thế là mở đầu cho một mối tình lãng mạn, son sắt.
Sau khi hoàn thành khóa học Sáng tác, Lý luận, Chỉ huy ở Nhạc viện Bình Nhưỡng (năm 1971), Thanh Tùng trở về nước và "đón nàng về dinh". Bốn năm sau, nhạc sĩ được điều chuyển vào phía Nam, người vợ yêu của ông cũng xin chuyển vào công tác tại Đài truyền hình TPHCM để tiện chăm sóc chồng con. Sau đó không lâu, bà Minh đã xin nghỉ việc để ra làm kinh tế ở ngoài.
Sinh thời, nhạc sĩ Thanh Tùng luôn có vẻ phong lưu, một phần là vì ông có người vợ đảm đang, vén khéo, lại hết mực thương yêu chồng con. Không may, bà đã sớm qua đời bởi căn bệnh ung thư, để lại một khoảng trống không ai có thể bù đắp được trong lòng nhạc sĩ. Nhạc sĩ Thanh Tùng hay kể câu chuyện về người vợ mình trước phút lâm chung đã thổ lộ mong muốn ông không đi bước nữa. Về điều này, dư luận cũng có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có người cho rằng "yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau". Nhưng có lẽ đó chỉ là cái cớ mà nhạc sĩ đưa ra. Tình cảm sâu sắc với người vợ chính là điều ngăn trở ông đi tìm hạnh phúc mới, cho dù không ít "bóng hồng" đã đi qua cuộc đời ông, như lẽ thường ở những người tài hoa như thế.
Bà Phạm Thị Quý, em vợ nhạc sĩ Thanh Tùng, từng tâm sự khi nhạc sĩ qua đời vào năm 2016: "Tôi rất nhớ anh Thanh Tùng, là một người anh rể rất vui tính, yêu thương mọi người. Mặc dù chị gái tôi đã ra đi từ năm 1990 nhưng anh vừa làm bố, vừa làm vợ để chăm các con khôn lớn. Anh Tùng từng nói rằng, chị tôi ra đi để lại tài sản, còn nếu anh ra đi thì sẽ để lại kho tàng sáng tác âm nhạc cho mọi người".
26 năm cô đơn "Một mình", nhạc sĩ Thanh Tùng mới "gặp lại" người vợ thương yêu ở một cõi khác. Ông được biết đến là một người luôn đối xử rất tốt với nhà bên vợ. Bà Phạm Thị Quý cũng chia sẻ rằng: "Khi còn sống, anh chị tôi rất yêu thương nhau. Khi vợ mất, các con anh Tùng còn nhỏ, thấy bố buồn một mình, cô đơn, cũng giới thiệu bạn gái nhưng anh không lấy, bởi muốn trông nom các con và chị trước khi mất cũng không muốn anh đi bước nữa".
Ca khúc "Một mình" nhạc sĩ Thanh Tùng sáng tác gây xúc động mạnh mẽ bởi tình cảm dành cho người vợ thân yêu. Nhiều người có thể tìm thấy chút tâm sự của bản thân mình trong đó. Rung cảm chân thành trong từng lời ca, từ "giọt mồ hôi tóc mai" cho đến buổi "tan ca đón con về". Nó thật đến mức không ai hồ nghi về tính cô đơn mà nghệ sĩ thường đưa ra như một thứ men sáng tạo đơn thuần... "Vắng em đời còn ai với ai. Ngất ngây men rượu say. Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ. Cô đơn, cùng với tôi về".
Thước phim quay chậm về gia đình
Bên cạnh "Một mình", ca khúc "Hoa cúc vàng" chính là nhạc phẩm mà con gái út của nhạc sĩ- chị Bạch Dương - yêu nhất. Lời ca khúc thật thiết tha:
Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về. Ta lại ngồi bên nhau, nghe gió lay cành khế.Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về. Anh lại ngồi bên em, chờ con nắng ghé qua thềm.
Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về. Khi anh tuổi đôi mươi, em mới lên mười tám.
Trong tim em ngập nắng, mang theo đóa cúc vàng. Em tặng mùa thu sang, mùa thu bông hoa thiên đường.
Muốn nói với em rằng
Trái tim này mong manh
Vẫn mong Em về…
Một số bức ảnh trong cuốn nhật ký mà chị Bạch Dương dành cho cha, nhạc sĩ Thanh Tùng
Chị Bạch Dương kể rằng bố đã sáng tác bài này và hát cho chị nghe ngay khi vừa xong, qua điện thoại. Ông nói không thể không chia sẻ ngay dù con gái đang đi trên đường. Từng lời, giai điệu của bài hát khiến chị Bạch Dương rất xúc động bởi nó như một thước phim quay chậm, khiến chị nhớ về những ký ức của gia đình, về tình yêu của bố mẹ. Mối tình của hai người đã trải qua nhiều thử thách, từ những rung động ban đầu thuở còn đi học, trải qua những năm tháng đợi chờ cho đến khi nhạc sĩ Thanh Tùng học ở Bình Nhưỡng về thì mới cưới. Ban đầu nhạc sĩ định đặt tên ca khúc là "Tình yêu bất diệt" nhưng sau đó ông nghĩ, đó là một cụm từ hơi "đao to búa lớn" với mối tình câm lặng, giản dị mà sâu lắng nên ông đã đổi tên thành "Hoa cúc vàng".
Khi vợ qua đời, có rất nhiều buổi diễn, nhạc sĩ Thanh Tùng thường mang con gái út theo cùng. Trong đám tang của ông, cuốn nhật ký mà chị Bạch Dương dành cho cha đã khiến mọi người đặc biệt xúc động. Những bức ảnh gia đình và những lời đề nhẹ nhàng, xúc cảm bên cạnh như là những lời thầm thì của người con gái dành cho người cha đã dành tất cả tình yêu thương để chăm sóc cô, thay cho cả người mẹ. Cuộc đời nhạc sĩ đằng sau ánh hào quang của nghệ thuật đã hiển hiện rõ nét qua cuốn nhật ký này.
Trong một chương trình "Quán thanh xuân" của Đài truyền hình Việt Nam, chị Bạch Dương từng chia sẻ: "Bố đúng là típ người lãng mạn, lại còn biết nấu ăn rất ngon cho các con. Bố hay hỏi con gái hôm nay thích ăn gì và còn mua hoa cắm... mà bố toàn mua những loại hoa mà "Mẹ mày thích".
Năm Bạch Dương 16 tuổi, nhạc sĩ Thanh Tùng mua tặng con gái 100 bông hồng với dòng chữ "Mừng con gái Ba đã lớn".