Tôi có một người bạn từng đi lao động hợp tác nước ngoài. Ngày học phổ thông, bạn học giỏi nhất nhì lớp. Nhìn bạn, ai cũng ngưỡng mộ, chỉ ước được một phần trí thông minh, sắc sảo của bạn. Chúng tôi học ngày cày đêm để cố có một chân vào giảng đường đại học.
Còn bạn, dường như cánh cổng trường đại học đã rộng mở thênh thang. Thế nhưng, chỉ vì cái lợi trước mắt, bạn đã rẽ ngang sang một hướng hoàn toàn khác, đó là đi xuất khẩu lao động bởi lẽ trong xóm ngoài làng thời điểm ấy, người người đua nhau đi lao động ở nước ngoài, tiền của gửi về cho người thân xây nhà cửa, mua sắm xe cộ, chi tiêu rủng rỉnh.
Chúng tôi khuyên nhủ thế nào, bạn cũng nhất quyết không nghe và còn bảo: Học mãi để làm gì, tốn tiền tốn của, trí thức để làm gì, nghèo vẫn hoàn nghèo mà thôi. Có tiền là có tất cả!
Với trí thông minh “trời cho”, ở xứ người, bạn nhanh chóng “móc ngoặc” với nhân viên các cửa hàng để “đánh” container hàng hóa gửi về nước nhờ người thân bán hộ. Bạn giàu lên trông thấy, gia đình bạn được nhờ cậy trông thấy.
Bố mẹ bạn không những xây được ngôi nhà 2 tầng vững chãi, khang trang ở quê cho mình mà còn “tậu” được một ngôi nhà mặt phố huyện cũng rất bề thế cho bạn ở sau khi về nước. Trong khi đó, chúng tôi vừa tốt nghiệp đại học, ra trường chật vật với lương công chức quèn thời bao cấp.
Hết thời hạn lao động cộng với vài năm nấn ná ở lại thêm, bạn về nước có đủ thứ trong tay, tiền nhiều, chồng con đề huề, lại có đủ nếp, tẻ. Không bằng cấp nên bạn cùng chồng mở cửa hàng, làm ăn buôn bán, kinh tế rất vững.
Cuộc sống của bạn chẳng có gì đáng nói nếu như bạn không áp dụng một cách bảo thủ, máy móc lối sống kiểu Tây mà bạn mang theo ở nước ngoài về, đặc biệt là trong cách nuôi dạy con. Khi con còn nhỏ, bạn đã để con phát triển tự do, thích gì làm nấy, thích gì chiều nấy.
Trong trẻ cùng tuổi đang miệt mài học văn hóa ở lớp thì bạn xin phép cô giáo cho con ở nhà đi học đàn học hát, học khiêu vũ, hội họa... vì con bạn không thích học ở lớp mà chỉ thích học những môn này. Trong khi tụi trẻ đang miệt mài ôn thi thì bạn xin phép cô giáo cho con nghỉ để đi du lịch, đi trại sáng tác, làm thơ, chưa kịp nghỉ hè thì đã đăng ký đi học kỳ quân đội...
Nếu bạn bè, người thân, cô giáo có can thiệp thì bạn bảo: Ở Tây họ thế! Họ đâu có học nhiều như mình mà họ vẫn làm giỏi hơn mình. Khi con bạn sớm có bạn trai, bạn gái, mọi người mách bạn thì bạn bảo: Yêu không phải là cái tội! Ở Tây, trẻ cũng yêu nhiều, có sao đâu? Khi con bạn đi bar, đi karaoke, vũ trường, có người trên thành phố bắt gặp, điện về báo tin cho bạn thì bạn bảo: Ở Tây, trẻ đi bar, đi vũ trường là chuyện hết sức thường tình. Có sao đâu!
Sau rất nhiều lần trả lời “có sao đâu” của bạn, một hôm, bạn nhận được cuộc điện thoại khẩn từ phía cảnh sát: Con anh chị đã bị bắt quả tang khi đang “lắc” tập thể tại vũ trường. Rất có thể, con anh chị còn nghiện ma túy. Cảnh sát đang điều tra, làm rõ.
Lúc này, bạn mới cuống cuồng, nhờ hết người nọ người kia tìm cách “chạy” cho con. Nhưng ai nấy đều từ chối, bởi lẽ lâu nay, bạn chẳng nghe ai nói. Bấy lâu nay, ai cũng lắc đầu vì... “lối sống kiểu Tây” của bạn.
Cũng vì lối sống kiểu Tây nửa vời mà bạn không biết rằng hai con của mình sa vào nghiện hút từ bao giờ. Cũng vì “đập đá” tập thể, mà con bạn đã làm “chuyện người lớn” tập thể. Và kết quả là cậu “quý tử” thì dính ma túy, còn cô con gái không những dính ma túy mà kết quả cái thai trong bụng còn không biết “chủ thể” là ai.