pnvnonline@phunuvietnam.vn
Còn mãi reo vui... ngày Độc lập
Tinh thần quật khởi, đấu tranh giành độc lập
Trong ngồi nhà nhỏ ở làng Khả Phong, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), câu chuyện về giây phút lịch sử và thời khắc thiêng liêng khi đất nước giành độc lập được vị lão thành cách mạng 101 tuổi Nguyễn Lê Bàn kể, tái hiện như thước phim quay chậm.
"Ngày đó đảng viên còn ít, cách mạng còn khó khăn, được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm tự hào của cả gia đình và thôn xóm. Trách nhiệm cũng vô cùng lớn lao, phải đưa hết tinh thần và ý chí để trọn đời phục vụ cách mạng", cụ Bàn nói.
Theo lời của cán bộ tiền khởi nghĩa Nguyễn Lê Bàn, ngày 13/8/1945, dưới sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, nhân dân các làng của tổng Đặng Sơn chuẩn bị sẵn cờ, trống, mõ và các loại vũ khí tham gia biểu tình.
Đến rạng sáng ngày 18/8, khắp nơi vang lên tiếng mõ, nhân dân Nam Sơn hòa cùng 3 vạn quần chúng các tổng Đặng Sơn, Đô Lương, Bạch Hà, Thuần Trung và Yên Lãng kéo về phủ lị Đô Lương hô vang khẩu hiệu: "Đả đảo chính phủ bù nhìn của Nhật", "Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm!", "Ủng hộ Việt Minh!". Sau đó, đoàn biểu tình được nghe cán bộ Việt Minh diễn thuyết rồi trở về chuẩn bị cùng nhân dân cả nước sẵn sàng cho ngày Tổng khởi nghĩa.
Nhớ lại những năm tháng hào hùng, cụ Bàn cho biết: "Nhận được lệnh tổng khởi nghĩa của Việt Minh phủ, đêm 22/8, làng Khả Phong và toàn tổng Đặng Sơn sục sôi không khí chuẩn bị. Đêm ấy, tôi cùng các đồng chí trong Đoàn Thanh niên cứu quốc và các đoàn thể khác đến từng nhà vận động bà con may cờ, chuẩn bị vũ khí để tham gia đấu tranh. Riêng lực lượng thanh niên tập trung viết biểu ngữ, rải truyền đơn, tất cả háo hức chờ đợi giây phút lịch sử".
Để rồi, mờ sáng 23/8, cụ Bàn và bà con Khả Phong hòa vào dòng người đông đúc từ các làng, xã trong tổng Đặng Sơn tham gia tổng khởi nghĩa. Trước sức mạnh của quần chúng, Tri phủ Anh Sơn là Lê Phổ cùng bọn nha lại phải giao nộp ấn tín và đầu hàng.
"Đó là ngày 2/9/1945, hòa chung không khí tưng bừng của cả nước, mọi người may cờ, rồi hát bài Tiến quân ca, Diệt phát xít, bà con dậy tiếng reo hò mừng vui, phấn khởi đón mừng độc lập. Giây phút thiêng liêng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giây phút đó in sâu vào tâm trí mỗi người con đất Việt", mắt cụ Bàn ánh lên niềm tự hào.
Tấm gương đi đầu trong thời kỳ mới
Sau ngày độc lập, cụ Bàn tiếp tục tham gia kháng chiến và đóng góp công sức, trí tuệ cho quê hương, đất nước. Cụ từng giữ chức vụ Trưởng Công an huyện, Chủ tịch UBND huyện rồi Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn. Nghỉ hưu, cụ trở về với gia đình, làng xã, niềm vui lớn nhất của cụ là con cháu đều ngoan hiền, hiếu thảo và sống có ích cho xã hội, ít khi làm cụ phải bận tâm.
Tại địa phương, cụ tham gia các buổi nói chuyện, kể chuyện truyền thống cho các cháu học sinh trong các nhà trường, giúp cho các cháu hiểu hơn về lịch sử dân tộc, về truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam…
Bên cạnh đó, cụ còn luôn gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên trong chi bộ, nhân dân nơi cư trú, hội viên người cao tuổi và con cháu của mình tham gia chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Cụ Bàn chia sẻ "Cả cuộc đời tôi luôn cố gắng noi theo tấm gương của Bác Hồ. Tôi còn sức khỏe thì còn cống hiến bằng cái tâm và trách nhiệm của mình. Đồng thời, tôi luôn tự nhủ sẽ luôn là tấm gương tốt để giáo dục con cháu trong gia đình, cùng đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia mọi hoạt động của địa phương…".
Ông Trần Hữu Đức - Bí thư Đảng ủy xã Nam Sơn cho biết, những người như cụ Bàn là những người gương mẫu đi trước, làm gương cho mọi người cùng làm theo. Nhờ vậy, sau 6 năm triển khai xây dựng NTM, người dân xã Nam Sơn đã làm được những tuyến đường rộng mở, khang trang, đóng góp vào một trong những tiêu chí trong mục tiêu xây dựng các tiêu chí NTM của địa phương.