Con tăng động vì “kỷ luật không nước mắt” của mẹ

17/06/2017 - 07:40
Con là nỗi lo lắng của giáo viên trong lớp, là “kẻ gây phiền nhiễu” với nhiều người xung quanh….Thế nhưng, người mẹ vẫn nhất quyết áp dụng “kỷ luật không nước mắt” để con phát triển tự nhiên.
tre-bi-tang-dong-giam-chu-y-1.jpg
Mẹ để con hiếu động "phát triển tự nhiên". Ảnh minh họa

Với nhiều người, bé Bon (5 tuổi) tăng động quá mức. Bởi, cu cậu không bao giờ ngơi nghỉ chân tay, lúc nào cũng chạy nhảy, giẫm đạp uỳnh uỵch. Thế nhưng, chị Phan Thu Phương (mẹ Bon) rất mừng khi thấy con hiếu động như vậy.

Chị quan niệm, đứa trẻ hiếu động là đứa trẻ thông minh. Chị luôn cổ vũ cho mọi hành động của con, dù những hành động ấy mang lại sự phiền phức tới mọi người xung quanh.

Đi du lịch cùng tập thể, dù lái xe phát cáu vì nhắc đi nhắc lại việc cu cậu đi lại tự do trên xe nhưng chị Phương cũng không ý kiến gì với con. Con chạy nhảy, hò hét, nghịch ngợm, phá phách khi người lớn đang chuyện trò khiến ai cũng phát bực nhưng chị... mặc kệ. Ngồi trong mâm, con chọc đũa vào hết bát nọ, đến đĩa kia, dù người khác nhắc nhở nhưng chị vẫn không phê bình con…

Nhiều đồng nghiệp góp ý với chị nên dạy con có nguyên tắc, kỷ luật thì chị nói, trẻ con phải thế, thế mới là trẻ con. Thế nên, cứ thấy con chị tham gia hoạt động nào thì một số người tránh xa. Bởi, họ cảm thấy bị làm phiền, bị quấy nhiễu.

tang-dong.jpg
Cha mẹ nên tạo ý thức cho con từ nhỏ về việc không làm phiền tới người xung quanh. Ảnh minh họa

Ở lớp, con chị được cô giáo xếp vào học sinh “cá biệt” khi con không bao giờ nghe lời cô, không chịu ngồi yên trong lớp, ảnh hưởng đến các bạn khác. Thậm chí, ngày cả lớp đi dã ngoại, cô giáo bé Bon yêu cầu phải có người nhà đi cùng để quản con vì như thế cô mới có thời gian quản lý cả lớp ở nơi công cộng.

Chị Phương không thấy điều đó là vấn đề. Chị vẫn áp dụng “kỷ luật không nước mắt” để dạy con, không bao giờ quát mắng, nhắc nhở con dù hành động của con ảnh hưởng tới người xung quanh. Chị Phương nghĩ đơn giản rằng, giờ còn nhỏ nên con như vậy, lớn lên con sẽ khác.

Chị không biết rằng, để con phát triển tự nhiên không có nghĩa là con thích làm gì thì làm mà cần có những nguyên tắc nhất định con phải tuân theo. Đó là con không được có những hành vi gây ảnh hưởng hoặc làm phiền người khác như nói quá to trong một tập thể, quán ăn, trong đám đông, vứt rác lung tung, chen lấn xô đẩy,… con biết xin lỗi khi làm gì ảnh hưởng đến người khác. Ý thức đó con phải hình thành từ bé và cha mẹ phải là người rèn ý thức đó cho con. 

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm