Công an, bộ đội cũng phải có nghĩa vụ kê khai tài sản

25/10/2018 - 11:45
Thông tin này được đưa ra trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), do Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày sáng nay 25/10.

Mở rộng đối tượng kê khai tài sản

Báo cáo tiếp thu từ các ý kiến của đại biểu do bà Lê Thị Nga - Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH trình bày sáng nay cho thấy có nhiều nội dung cần bổ sung trong dự Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Sau khi cho ý kiến, trao đổi vào hoàn thiện, dự luật sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp này.

Bà Lê Thị Nga cho biết, về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống tham nhũng trong tình hình hiện nay.

lethinga_uybantuphap_giaoducnetvn.jpg
Ủy viên TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu các ý kiến tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng
 

Đồng thời, dự thảo Luật cũng được chỉnh lý theo hướng quy định người có nghĩa vụ kê khai lần đầu bao gồm cả sĩ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và quân nhân chuyên nghiệp.

Về quan điểm xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được về nguồn gốc của UBTVQH, UBTVQH cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung giải thích cụm từ tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là: tài sản, thu nhập tăng thêm so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không có căn cứ pháp luật về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và không phù hợp với thực tế hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm đó.

Về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, có ý kiến ĐBQH đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách hoặc giao cho cơ quan của Quốc hội thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập.

Giải trình nội dung này, UBTVQH tán thành với đa số ý kiến ĐBQH, đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý theo hướng giao cho Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ ngành, thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.

Xử lý tài sản không rõ nguồn gốc như thế nào?

Phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc, theo UBTVQH cũng còn nhiều ý kiến trái chiều nhau.

Theo đó, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với phương án 1 là thu thuế thu nhập cá nhân; đồng thời, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại thu nhập này là thu nhập chịu thuế.

Một số ý kiến thành với phương án 2 của dự thảo Luật là xử phạt hành chính đối với hành vi kê khai không trung thực, không minh bạch trong giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập.

Trong khi đó, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị thu hồi tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc (phương án 3) thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án. Một số thì cho rằng nên giữ quy định Luật PCTN hiện hành; hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính; xác lập quyền sở hữu của Nhà nước thông qua trình tự, thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án..

Phân tích ưu, nhược điểm của cả 3 phương án, UBTVQH cho rằng, nếu thu thuế thu nhập thì chưa thể hiện được thái độ thật nghiêm khắc của Nhà nước trong xử lý tài sản, thu nhập có dấu hiệu không minh bạch trong PCTN.

Nếu xử phạt hành chính thì mới chỉ xử lý được hành vi vi phạm mà chưa xử lý trực tiếp được tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, trong khi đây là yêu cầu mà thực tiễn công tác PCTN đang đặt ra.

Mặt khác, quy định mức phạt 45% giá trị của tài sản, thu nhập giải trình không hợp lý về nguồn gốc cũng không phù hợp với mức xử phạt hành chính của pháp luật hiện hành. Nếu xem xét thu hồi, giải quyết tại Tòa án thì thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật PCTN hiện hành; đây cũng là cách được nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

“Qua cân nhắc ưu nhược điểm, UBTVQH đề nghị lựa chọn phương án 3 - xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục tố tụng tại Tòa án, vì đây là phương án có nhiều ưu điểm hơn so với hai phương án còn lại” – bà Lê Thị Nga cho hay.

Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến băn khoăn nên UBTVQH vẫn đề nghị đại biểu cho thêm ý kiến về hai phương án khác là: thu thu hồi, giải quyết tại Tòa án và phương án thu thuế thu nhập cá nhân. Những phương án này đang được đại biểu cho ý kiến tại phần thảo luận hội trường về dự luật này, diễn ra vào ngày 25/10.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm