Công bố chiến lược phát triển kinh tế biển và Quy hoạch không gian biển quốc gia

An Khê
04/06/2023 - 08:42
Công bố chiến lược phát triển kinh tế biển và Quy hoạch không gian biển quốc gia

Ảnh minh họa: Kiều Trang

Chiều 3/6 tại Nghệ An, Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị công bố Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam và Hội thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia.

Hội nghị công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam) và Hội thảo về Quy hoạch không gian biển quốc gia được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường, Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới năm 2023.

Công bố chiến lược phát triển kinh tế biển và Quy hoạch không gian biển quốc gia - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là sự kiện có ý nghĩa, khẳng định quyết tâm, tầm nhìn chiến lược nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển; bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, công bằng tài nguyên trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Cùng với việc công bố Chiến lược, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo nhằm hoàn thiện Quy hoạch không gian biển Quốc gia. Đây là công cụ quan trọng để cụ thể hóa “Quy hoạch tổng thể quốc gia” và tạo lập cơ sở cho quản lý các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển một cách hiệu quả; góp phần hình thành các ngành kinh tế biển vững mạnh, tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

“Chúng tôi mong muốn đến năm 2050, toàn bộ các vùng biển Việt Nam được quản lý hiệu quả và sử dụng bền vững theo không gian, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, sức chống chịu, sức tải môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo và hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh về biển”- Thứ trưởng Nguyễn Tuấn Nhân khẳng định.

Với lợi thế bờ biển dài hơn 3.260 km, theo cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam, vùng ven biển Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là lĩnh vực hàng hải, hải sản, các lĩnh vực công nghiệp, dầu khí, du lịch và năng lượng tái tạo. Diễn biến mới ngày càng gia tăng ở các vùng biển và hải đảo đe dọa đến sức khỏe và sự phát triển của các hệ sinh thái ven biển và biển. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm nhựa đại dương, suy thoái hệ sinh thái và đa dạng sinh học… là những thách thức lớn đối với phát triển bền vững của biển và đại dương.

Công bố chiến lược phát triển kinh tế biển và Quy hoạch không gian biển quốc gia - Ảnh 2.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam

Tại Hội nghị và hội thảo, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá: Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đã tái khẳng định cam kết của Chính phủ đối với tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển và một xã hội hài hòa với thiên nhiên. UNDP hoan nghênh bước tiến quan trọng này trong việc phát triển các giải pháp mang lại lợi ích cho cả đại dương và người dân Việt Nam, đồng thời bảo vệ hành tinh của chúng ta.

"Nhiều chính sách đã được ban hành để giải quyết vấn đề. Đảng và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách trọng tâm hỗ trợ phát triển bền vững kinh tế biển như Nghị quyết 36, Kế hoạch hành động quốc gia về Rác thải nhựa đại dương, và hôm nay, là lễ công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo"- Bà Ramla Khalidi cho biết.

Tại sự kiện, UNDP đã đưa ra 3 khuyến nghị đối với Chính phủ Việt Nam trong triển khai thực hiện, cụ thể: Chính phủ cần đẩy nhanh việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch không gian biển (MSP), điều cần thiết để khai thác tiềm năng to lớn của nền kinh tế biển bền vững. UNDP và Nauy vinh dự được hỗ trợ và tham gia vào quá trình xây dựng MSP; biển và hải đảo của Việt Nam đang được khai thác bởi nhiều ngành khác nhau nhưng sự phối hợp còn hạn chế. Tăng cường quản trị và điều phối trong các lĩnh vực kinh tế biển (như du lịch, vận tải biển, thủy sản, công nghiệp, thăm dò và phát triển năng lượng, quy hoạch, đầu tư và môi trường) là rất quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược cũng như các chính sách quan trọng khác về biển và hải đảo; Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của các nước và các đối tác phát triển trong quá trình thực hiện Chiến lược, đặc biệt là khi nhiều nguồn tài nguyên biển vượt ra khỏi biên giới quốc gia và sẽ cần có sự hợp tác quốc tế để quản lý hiệu quả và lâu dài.

Xác định vấn đề khai thác và phát triển kinh tế biển chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia ven biển. Nghệ An có đường bờ biển dài 82km, với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển như diện tích vùng biển lớn (4.230 hải lý vuông mặt nước do địa phương quản lý), tổng trữ lượng thủy, hải sản các loại khoảng 80 nghìn tấn. Dọc bờ biển Nghệ An có 3.500 ha diện tích mặt nước lợ sử dụng cho việc nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, lưu vực các sông Lam, sông Hoàng Mai... tạo nên các vùng ao hồ, đầm phá. Bờ biển phẳng có một số bãi tắm đẹp, thuận tiện cho sự phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Cảng Cửa Lò là yếu tố thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa, hấp dẫn các dự án đầu tư và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Phát triển kinh tế biển, không những tạo động lực cho kinh tế Nghệ An phát triển, mà còn góp phần củng cố Quốc phòng - An ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển của Việt Nam.

Đại diện cho một số địa phương có biển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ cho biết: Thời gian qua, Nghệ An đã dành sự quan tâm đặc biệt, tập trung chỉ đạo trong khai thác và phát triển kinh tế biển trong đó nòng cốt là các hoạt động du lịch, dịch vụ biển, hoạt động phát triển cảng và công nghiệp ven biển... Qua đó từng bước đưa Nghệ An sớm trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của Bắc Trung Bộ, góp phần kết nối kinh tế biển khu vực, cả nước và thế giới. Đơn cử như: Nghệ An đã ban hành chính sách, pháp luật kinh tế biển. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của vùng ven biển cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh, giá trị tăng thêm của vùng ven biển hàng năm của Nghệ An hàng năm đạt khoảng 26-27%, giá trị tăng thêm bình quân đầu người vùng ven biển đạt khoảng 42 triệu đồng/người/năm.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm