pnvnonline@phunuvietnam.vn
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 Luật vừa được Quốc hội thông qua

Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 9 thông qua
Các luật này gồm: Luật Nhà giáo; Luật Việc làm; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Hóa chất; Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Ngân sách nhà nước.
Giới thiệu về Luật Nhà giáo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Luật gồm 9 chương, 42 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. Nội dung quy định của Luật Nhà giáo tập trung vào 5 chính sách lớn về nhà giáo đã được Chính phủ thông qua bao gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Điểm mới nổi bật là lần đầu tiên, nhà giáo ngoài công lập được thừa nhận là một người hành nghề đặc thù, có chuẩn nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ tương đồng, không chỉ là người lao động theo hợp đồng như trước. Luật khẳng định vai trò then chốt của nhà giáo, đồng thời mở rộng quyền tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp.
Luật quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Bổ sung các khoản hỗ trợ vùng khó khăn, thuê nhà, đào tạo, sức khỏe định kỳ, thu hút nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, Luật hợp nhất hai hệ thống tiêu chuẩn (chức danh nghề nghiệp và chuẩn nghề nghiệp) thành một hệ thống chức danh gắn với chuẩn năng lực nghề nghiệp, áp dụng thống nhất cho cả công lập và ngoài công lập.
Mặc dù lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp nhưng với giáo viên hợp đồng, chưa nhận được đãi ngộ đó. Về vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói rằng, ngành giáo dục hết sức thấu hiểu những khó khăn mà giáo viên hợp đồng đang đối mặt.
Mặc dù việc sử dụng lao động hợp đồng phải tuân thủ Luật Lao động nhưng việc lương nhà giáo được xếp vào thang bảng lương cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng. Điều này giúp người sử dụng lao động (các cơ sở giáo dục) có căn cứ để thỏa thuận mức lương công bằng hơn, đảm bảo quyền lợi và khuyến khích giáo viên hợp đồng đóng góp tương xứng với công sức, trí tuệ và tâm huyết của họ.
Hiện nay, một số nơi giáo viên hợp đồng, đặc biệt là giáo viên mới ra trường, chỉ nhận được 70%-80% mức lương so với giáo viên chính thức, trong khi vẫn phải đảm bảo yêu cầu chuyên môn và khối lượng công việc tương đương. Bộ GD&ĐT đang nỗ lực để quy định chặt chẽ hơn, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đội ngũ giáo viên hợp đồng.

Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng giới thiệu về Luật Nhà giáo. Ảnh: Phi Khanh
Về Luật việc làm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cho biết, ngày 16/6/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Việc làm số 74/2025/QH15, gồm 8 chương, 55 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Luật đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế, tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn"; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.
Luật Việc làm năm 2025 quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm, đăng ký lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động, phát triển kỹ năng nghề, dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý nhà nước về việc làm và áp dụng đối với tất cả người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc (bao gồm cả người lao động có quan hệ lao động và người lao động không có quan hệ lao động, người thất nghiệp).
Luật Việc làm năm 2025 đã kế thừa các quy định đã được thực hiện có hiệu quả từ Luật Việc làm năm 2013, sửa đổi các quy định không còn phù hợp, trọng tâm là bổ sung các quy định nhằm thể chế hóa 4 Nghị quyết đột phá - "bộ tứ trụ cột" đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. Luật đã sửa đổi, bổ sung 23 điều; bổ sung 1 điều; bãi bỏ 1 điều và 9 điểm, khoản của Luật Quảng cáo.
Theo đó, Luật đã sửa đổi một số khái niệm trong hoạt động quảng cáo nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn hiện nay, bao gồm: Quảng cáo; xúc tiến quảng cáo; người kinh doanh dịch vụ quảng cáo; người phát hành quảng cáo; người tiếp nhận quảng cáo; hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và vật thể quảng cáo. Sửa đổi khái niệm về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo để phù hợp với thực tiễn và bổ sung các hình thức chuyển tải sản phẩm quảng cáo mới.
Bổ sung quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Luật quy định rõ yêu cầu đối với nội dung quảng cáo và điều kiện quảng cáo; về quảng cáo trên báo nói, báo hình nhằm tăng cường trách nhiệm của người có ảnh hưởng với cộng đồng và xã hội khi tham gia, thực hiện hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng…
Liên quan đến Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt gồm 4 chương, 11 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2025 có nhiều điểm mới.
Cụ thể, về đối tượng chịu thuế, ngoài những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt kế thừa tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã bổ sung mặt hàng nước giải khát theo tiêu chuẩn quốc gia có hàm lượng đường trên 5g/100 ml vào đối tượng chịu thuế; quy định điều hòa nhiệt độ công suất trên 24.000 đến 90.000 BTU (thay cho điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống) thuộc đối tượng chịu thuế; sửa đổi, bổ sung một số mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu, bia, ô tô, tàu bay... để đồng bộ với pháp luật chuyên ngành.
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được ban hành nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng đã được xác định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng; rà soát, xác định rõ những nội dung, phạm vi vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục khó khăn, vướng mắc phát sinh thời gian qua; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp với quy định của pháp luật có liên quan, nhất là pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, công nghệ số...
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2025. So với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2025 có các điểm mới liên quan đến người nộp thuế và thu nhập chịu thuế; thu nhập được miễn thuế; kỳ tính thuế, xác định thu nhập tính thuế và phương pháp tính thuế; các khoản chi được và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế suất thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về Luật Hóa chất (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, ngày 14/6/2025, Quốc hội thông qua Luật với 99,32% đại biểu có mặt tán thành. Luật gồm 7 chương, 48 điều, có hiệu lực từ 1/1/2026, sửa đổi toàn diện Luật Hóa chất năm 2007.
Luật có các nội dung mới liên quan đến xây dựng chính sách phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất...
Luật Hóa chất được xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính; áp dụng tối đa công nghệ thông tin nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi. Cùng với đó, Luật Hóa chất đã bổ sung hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp phù hợp để không tạo khoảng trống trong quản lý và giảm thiểu khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp…