pnvnonline@phunuvietnam.vn
Công thức làm món gỏi cá kiến vàng độc lạ của người Rơ Măm
Người Rơ Măm là một dân tộc ít người ở Việt Nam. Tộc người này cư trú chính tại làng Le, xã Mô Rai (Sa Thầy, Kon Tum) với gần 160 hộ (460 nhân khẩu). Là tộc người cổ sống từ lâu trong rừng sâu nên bà con Rơ Măm thường có nhiều món ẩm thực rất kì dị, khác thường, ít ai có thể thưởng thức. Theo đó, món ăn khá đặc biệt của bà con nơi đây chính là món cá gỏi kiến vàng.
Người Rơ Măm dùng kiến vàng và trứng để nấu canh, trộn gỏi, xào với thịt thú rừng,…nhưng ấn tượng nhất là món cá gỏi kiến vàng. Kiến vàng có rất nhiều quanh khu vực cư trú của người Rơ Măm. Khi lấy tổ kiến vàng xuống, người ta đặt một chậu nước phía dưới, lấy gọng dao gõ nhẹ cho kiến rơi xuống chậu, rồi nhẹ nhàng tách đôi, lấy trứng kiến ra để riêng. Trứng kiến vàng màu trắng đục, to bằng hạt gạo, có mùi thơm nhẹ.
Theo người dân của làng Le, cách làm cá gỏi kiến vàng khá đơn giản: Cá suối bắt loại vừa phải, bằng ba ngón tay, đem về làm sạch, lọc thịt rồi băm nhuyễn, vắt cho cạn nước để hạn chế mùi tanh. Sau đó, lấy kiến vàng và trứng giã sơ qua, phơi ngoài nắng một lúc cho se lại. Lấy muối hột, ớt xanh, tiêu rừng trộn chung cá với kiến, thêm chút thính gạo (bột gạo rang cháy xém), bột này có tác dụng làm dậy lên mùi thơm. Khoảng 30 phút sau, bóp đều kiến vàng và cá, rồi dùng ít rau rừng để cuốn. Bà con gọi đây là món Plat (gỏi kiến vàng), nếu trộn thêm thính gạo vào gỏi thì gọi là món Trót IagLia. Khi ăn, lấy lá sung cuốn lại vừa miệng và thưởng thức. Vị ngọt của cá suối hòa vào vị béo của trứng kiến, vị cay xé của tiêu, ớt tạo nên món ăn đặc trưng.
Để làm đúng hương vị của người Rơ Măm thì phải chọn cá suối để thịt tươi ngon. Như vậy, khi bóp gỏi với kiến vàng sẽ mang lại vị ngọt, dai và thơm tự nhiên mà không có vị tanh.
Gỏi kiến vàng có hương vị rất lạ miệng. Lúc thưởng thức sẽ thấy vừa có vị ngọt và thơm của cá suối hòa với vị chua chua của kiến. Để ngon miệng hơn, bà con Rơ Măm thường dùng những lá rừng như: Lá sung, lá lộc vừng, lá xoài non… ăn kèm, giúp món ăn đỡ ngán, hấp dẫn hơn. Món ăn này thường được bà con làm trong các dịp lễ Tết hoặc tiếp khách quý đến thăm.