Công trình “Chữ Việt Nam song song 4.0” có thể sẽ gây ra sự “đứt gãy” trong giao tiếp giữa các thế hệ

Trường Hùng
02/04/2020 - 12:51
Công trình “Chữ Việt Nam song song 4.0” có thể sẽ gây ra sự “đứt gãy” trong giao tiếp giữa các thế hệ

Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với Chữ Việt Nam song song 4.0

Tiến sỹ Ngôn ngữ học Đặng Mỹ Hạnh bày tỏ quan điểm khi biết công trình “Chữ Việt Nam song song 4.0” vừa được cấp giấy chứng nhận bản quyền.

Ngày 25/3/2020, công trình Chữ Việt Nam song song 4.0 do tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm sáng tạo vừa được Cục Bản quyền, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận bản quyền số 1850/2020/QTG.

Buồn - Ảnh 1.

Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với "Chữ Việt Nam song song 4.0"

Bày tỏ về phát minh này, Tiến sỹ Đặng Mỹ Hạnh, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết: theo pháp luật hiện hành ở nước ta, khi một công trình nghiên cứu mới, một sáng chế mới được công bố, nếu tác giả có đủ những hợp pháp để đăng ký quyền tác giả thì việc được cấp giấy chứng nhận bản quyền là đảm bảo quyền lợi về mặt pháp luật cho tác giả. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ, việc một phát minh (sáng chế) nào đó được công nhận bản quyền không có nghĩa là nó nhận được sự chấp nhận về khả năng ứng dụng; phát minh, sáng chế có được ứng dụng, thử nghiệm trên thực tế hay không lại là một câu chuyện khác.

"Tuy đây là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, được nghiên cứu từ sự kế thừa và tiếp nhận kết quả của các nghiên cứu khoa học hiện đại ngày nay, nhưng bản thân tôi đánh giá hiệu quả của công trình này – nói cách khác là hiệu quả giao tiếp (giao tiếp trong đời sống) không cao. Trong khoảng từ 10 - 15 năm tới đây, có lẽ công trình này vẫn rất khó vận dụng trong thực tế, vì "nó sẽ gây ra những bất ổn, "đứt gãy" trong giao tiếp giữa các thế hệ", tiến sỹ Hạnh bày tỏ.

Chứng minh quan điểm này, tiến sỹ Hạnh đưa ra giả định nếu loại chữ viết này được  áp dụng vào thực tế. Cô đặt giả định như sau: nếu Bộ Giáo dục có hình thức đồng thời, cùng lúc phổ cập cho học sinh từ lớp một đến lớp 12 loại chữ này; đồng thời đối tượng thanh niên, người trẻ tuổi vốn có sự nhanh nhạy, sẽ tự học được loại chữ này thì, sự giao tiếp "lý tưởng" - sự hiểu nhau trong giao tiếp (trên hai phạm vi giao tiếp là nói và viết) sẽ được thực hiện từ độ tuổi 6 tuổi đến 35 tuổi. Vậy  nhóm tuổi khác (trên 35) sẽ giao tiếp bằng chữ viết như thế nào với nhóm độ tuổi dưới 35?. Sự "đứt gãy" giao tiếp sẽ diễn ra ngay trong một cộng đồng ngôn ngữ. 

Cô chia sẻ thêm: Chữ viết còn bảo tồn trong nó các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị tín ngưỡng … của dân tộc, nên nếu chúng ta thay đổi chữ viết tức là chúng tay thay đổi cách "tri nhận", cách hiểu vốn đã thành truyền thống của người Việt về văn hóa - lịch sử và nhiều vấn đề khác nữa về dân tộc cũng như thế giới xung quanh. 

Buồn - Ảnh 2.

Quy tắc viết "Chữ Việt Nam song song 4.0"

Chẳng hạn, chữ viết tên nhân vật lịch sử là Nguyên phi Ỷ Lan (? – 1117), theo truyền thống, luôn sử dụng chứ "Y" để thể hiện tên đệm "Ỷ" (Ỷ Lan), nhưng nếu thay  chữ "Y" thành chữ "I" (theo chữ viết mới), tức là tên đệm sẽ được viết  thành "Ỉ" (Ỉ Lan) thì sự liên tưởng về nhân vật này cũng khác đi rất nhiều, nếu không nói đến những liên tưởng phản cảm rất dễ xảy ra của phần lớn công chúng khi "tưởng" đến nhân vật lịch sử nổi tiếng về tài năng và đức độ, đã được dân tộc Việt Nam thờ phụng trong gần 1.000 năm qua. Bởi, theo Từ điển Tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, (tr. 477) "Ỉ" là cách nói tắt của từ "lợn ỉn", trong khi (tr. 1166) "Ỷ" mang các nghĩa "dựa vào", "ngai thờ".

Một ví dụ khác được cô đưa ra: Từ "trầu cau";  nếu chữ "cau" chuyển sang chữ viết mới thành "kau" hoặc "qau", nó sẽ khiến người ta liên tưởng đến sự khó chịu (nếu viết "Kau") và cũng có thể không hiểu nổi cái mà nó muốn nói là gì – nếu viết "Qau".

Chữ viết liên quan mật thiết đến ý niệm mà nó muốn thể hiện vì chữ viết là một loại tín hiệu. Loại tín hiệu này đã có tính lịch sử. Cái được biểu đạt của chữ viết đã được cộng đồng của ngôn ngữ đó "thổi hồn" vào chữ theo cách của văn hóa, lịch sử, tư duy dân tộc. Do đó, không dễ để "sửa", "làm mới" chữ viết truyền thống (Chữ quốc ngữ) – cho dù "cái mới" này có tính hiện đại, kế thừa nền tảng khoa học thời 4.0.

Cô nhấn mạnh thêm: Đừng có sự nhầm lẫn, gọi là "giống nhau" giữa việc thay thế (giả định) "chữ Việt mới" và sự kiện quy định dùng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán/chữ Pháp trong trường học ở nước ta sau 1945 (Vì cô đã trả lời nhiều lần về sự nhầm lẫn này cho các phóng viên). Không có gì "giống nhau" cả. Cô khẳng định: Quy định dùng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán là một sự kiện lịch sử có tính chất bước ngoặt tạo đà cho sự phát triển về giáo dục nước nhà. 

Công trình “Chữ Việt Nam song song 4.0” có thể sẽ gây ra sự “đứt gãy” trong giao tiếp giữa các thế hệ - Ảnh 3.

Tiến sỹ Ngôn ngữ học Đặng Mỹ Hạnh, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Quay về vấn đề "chữ mới", tiến sỹ Hạnh kết luận: "Chính vì vậy, chữ viết mới này rất khó có khả năng vận dụng trong thực tế" (giống như hiện tượng chữ Quốc tế ngữ hiện nay).

Được biết, công trình "Chữ Việt Nam song song 4.0" là thành quả của sự kết hợp giữa công trình nghiên cứu về chữ Việt không dấu của tác giả Kiều Trường Lâm trong suốt 27 năm với công trình Chữ Việt nhanh của tác giả Trần Tư Bình (được sáng tạo năm 2008). Công trình Chữ Việt Nam song song 4.0 đề xuất về một loại chữ viết không dấu, sử dụng 26 chữ cái La-tinh  trong đó dùng 18 chữ cái La-tinh để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm