Tôi còn nhớ như in buổi sáng mùa đông mưa lay phay ấy, chú đến đón tôi bằng chiếc xe đạp cà tàng và bằng một nụ cười ấm áp.Tôi ngồi sau xe, tay bíu chặt hông chú để kịp ngoảnh lại nhìn trại trẻ mồ côi lần cuối. Những người bạn đuổi theo tôi ra tận con ngõ lớn. Tôi úp mặt vào tấm lưng của chú, òa khóc nức nở.
Khi cháu muốn, chú sẽ đưa cháu trở lại thăm các bạn. Nín đi nào! Cả đoạn đường về nhà chú, tôi cứ sụt sùi mãi. Tôi nhớ tổ ấm của mình và nhớ những người bạn.
Tôi ngồi sau xe chú nhớ tổ ấm của mình và nhớ những người bạn ở trại trẻ
Ngay cả khi tôi rời trại trẻ đến nhà chú ở tôi vẫn nghĩ mình mồ côi.
Ngôi nhà của chú lúp xúp bên một con sông, xung quanh là bãi đất hoang và cỏ dại tươi tốt.
Tôi rón rén theo chú vào nhà, mọi thứ lạ lẫm quá. Cái nhìn lạnh nhạt của vợ chú khiến tôi nhận ra mình không được chào đón ở đây. Nhưng bằng cách này hay cách khác, chú vẫn muốn tôi trở thành thành viên trong gia đình. Chú là bạn thân nhất của bố tôi. Sau chuyến tai nạn năm ấy, bố tôi vĩnh viễn rời xa cuộc sống này. Có lẽ, thiên đường - nơi bố đang ở - đẹp lắm, vì có mẹ. Tôi trở thành đứa trẻ mồ côi. Không mấy khó khăn để tôi hòa nhập được với những đứa bé ở trại trẻ mồ côi. Có lẽ vì chúng tôi cùng khuyết đi sự yêu thương từ cha mẹ. Ngay cả khi tôi rời khỏi nơi ấy để đến ngôi nhà này, tôi vẫn nghĩ mình là đứa trẻ mồ côi.
Rồi có lúc tôi bắt gặp tuổi thơ của mình khi bên chú.
Cô ấy thường không vừa lòng với những gì tôi làm. Cô ấy cáu gắt với chú vì chú muốn tôi đi học. Những cuộc chiến dài ngày cuối cùng cũng kết thúc và tôi được đến trường. Thay vào đó, tôi phải đối mặt với gương mặt lạnh như tiền của cô. Bằng cách nào đó, Na cũng ghét tôi khi tôi chen vào cuộc sống của nó, giành một phần yêu thương và sự quan tâm từ chú. Na là con gái của chú và bằng tuổi tôi.
Tôi thích cảm giác được chú chở đi trên chiếc xe đạp cũ kĩ. Chú sẽ kể cho tôi nghe những câu chuyện về tuổi thơ của chú, về bố tôi. Có lần theo chú lên rừng lấy củi, tôi giẫm vào một chiếc gai nhọn. Phải rất khó khăn chú mới lấy được chiếc gai ấy ra khỏi bàn chân tôi. Đoạn đường về, chú cõng tôi trên lưng, cảm giác ấy tôi từng bắt gặp trong tuổi thơ mình, quen thuộc và ấm áp. Bởi vậy mà có lúc tôi xem chú như một người cha.
Rời đi trước lúc bình minh.
Tôi tìm được công việc sau khi ra trường, cô đi ngang qua tôi, không quên để lại một cái nhếch mép rất vội “Đến lúc trả ơn rồi đấy”. Nhưng tôi đã không có cơ hội để trả ơn cô. Khi tôi biết mình bị suy thận, tôi đã nghĩ mình phải rời khỏi ngôi nhà gắn bó hơn 10 năm trời.
Nếu tôi ở lại nơi này, nhất định sẽ có nhiều cuộc chiến (Ảnh minh họa)
Buổi tối, tôi ngồi bên chú trên chiếc chõng tre. Tiếng ếch nhái nhộn nhạo ngoài bờ sông càng khiến lòng tôi chống chếnh. Ngày chú đến đón cháu từ trại mồ côi, chú chỉ nghĩ đó là việc chú phải làm vì chú mắc nợ bố cháu. Nhưng giờ thì cháu là một phần cuộc sống của chú. Mới dạo nào bé con con, đen thui, giờ đã thành cô gái xinh đẹp và duyên dáng rồi đấy. Chú xoa đầu tôi, cười nhẹ tênh nhưng đôi mắt cứ hun hút buồn. Tôi nheo mắt cười một cách tinh nghịch như hồi còn bé, để chú vui, chứ kỳ thực lòng tôi mênh mang buồn.
Tảng sáng, tôi xách hành lý ra đi. Nếu tôi ở lại nơi này, nhất định sẽ có nhiều cuộc chiến nổi lên khi mọi người biết tôi bị suy thận: vẻ chao chát và giận dữ của cô, gương mặt buồn rượi của chú, vẻ mặt cong cớn, khó chịu của Na. Tất cả tôi đều không muốn chứng kiến thêm một lần nào nữa. Trước lúc rời đi, tôi muốn gọi chú một tiếng “Cha”. Vậy mà tôi đã không thể!