Covid-19 lan rộng, nhiều nước châu Âu phong tỏa

Nguyên Bách - CTV
12/03/2020 - 14:04
Covid-19 lan rộng, nhiều nước châu Âu phong tỏa
Tính đến 12h giờ trưa nay, 12/3, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở châu Âu đã vượt 23.000 ca với 951 trường hợp tử vong. Trước tình trạng nghiêm trọng, một loạt nước châu Âu đã đưa ra các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn Covid-19.

Số ca nhiễm Covid-19 của Italy chiếm một nửa châu Âu

Italy tăng đột biến số người nhiễm Covid-19 thêm 2.313 trường hợp trong ngày 11/3, nâng tổng số ca nhiễm lên 12.462. Đã có thêm 196 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên đến 827. Italy hiện đã trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất ngoài Trung Quốc đại lục, về cả số người nhiễm và số ca tử vong. 

Đằng sau số ca nhiễm tăng chóng mặt là cuộc khủng hoảng y tế không chỉ mang tên Covid-19. Bệnh viện quá tải đồng nghĩa với việc phụ nữ có thai và em nhỏ, bệnh nhân ung thư và HIV hay các trẻ em cần tiêm vaccine sẽ đều không được chăm sóc đúng như họ cần.

Hai phụ nữ đi trong thành phố Rome vắng vẻ

Hai phụ nữ đi trong thành phố Rome vắng vẻ

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tuyên bố các biện pháp hạn chế mới nhất trong nỗ lực chiến đấu với đại dịch Covid-19. Italy sẽ phân bổ thêm 25 tỷ euro (tương đương 28,3 tỷ USD) nhằm chống lại dịch bệnh. 

Chính phủ Italy cũng tuyên bố cấm tất cả các hoạt động thương mại, trừ các hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm. Các biện pháp mới quy định bao gồm đóng cửa các cửa hàng, quán bar, nhà hàng; đóng cửa các hiệu cắt tóc và trung tâm làm đẹp, các dịch vụ căngtin, không đảm bảo khoảng cách an toàn ít nhất 1 mét. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong 14 ngày. 

Một cảnh sát kiểm tra người đi đường

Một cảnh sát kiểm tra người đi đường

Trước đó, Italy phong toả toàn quốc từ 9/3, dừng việc đi lại không thiết yếu giữa các thành phố, cấm các cuộc tụ họp công cộng. Cả nước bị phong tỏa, giới hạn đi lại cho đến ngày 3/4. Cấm tụ tập đông người ngay cả các trường hợp tổ chức đám cưới, đám tang. Lĩnh vực công nghiệp có thể tiếp tục hoạt động sản xuất với điều kiện áp dụng các giao thức đảm bảo an toàn tránh lây nhiễm, triển khai làm việc theo ca, nghỉ trước giờ, và đóng cửa các bộ phận không thiết yếu; thợ nước, thợ cơ khí, thợ thủ công, trạm xăng vẫn tiếp tục hoạt động và đây được coi là những dịch vụ thiết yếu.

Các nước áp dụng biện pháp mạnh

Sau Italy, Đan Mạch trở thành quốc gia thứ hai ở châu Âu ban bố tình trạng phong tỏa toàn quốc. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuyên bố đóng cửa tất cả các trường học, nhà trẻ và trường đại học trong 2 tuần để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. 

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuyên bố áp dụng biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế Covid-19 lan rộng

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuyên bố áp dụng biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế Covid-19 lan rộng

Tất cả nhân viên làm việc tại các cơ quan công quyền, trừ những người nắm những vị trí quan trọng, cũng sẽ ở nhà 14 ngày. Đan Mạch sẽ cấm các sự kiện tổ chức trong nhà với 100 người tham gia trở lên. Lao động ở khu vực tư nhân cũng được khuyến khích làm việc tại nhà. Đan Mạch vừa có thêm 44 trường hợp nhiễm virus. Hành động khẩn cấp của Đan Mạch được đưa ra sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức gọi Covid-19 là đại dịch.

Tính đến 12 giờ hôm nay, 12/3/2020 (giờ Việt Nam), Dịch Covid-19 hiện đã xuất hiện tại 124 quốc gia và vùng lãnh thổ với 126.367 trường hợp nhiễm bệnh, 4.633 người đã tử vong và hơn 68.300 người được điều trị thành công.

Các nước châu Âu khác cũng đang trong tình trạng báo động. Đã có thêm nhiều quốc gia châu Âu nằm trong top 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Theo thông báo của Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran, hiện nước này có 2.281 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 497 người trong vòng 24 giờ qua. Số ca tử vong cũng đã tăng lên 48 người.

Pháp sẽ thử nghiệm lâm sàng 3 loại thuốc điều trị Covid-19 với 800 bệnh nhân nhiễm virus. Các bệnh nhân sẽ được chia thành 4 nhóm và sử dụng các loại thuốc khác nhau để so sánh. Trong đó nhóm 1 không dùng thuốc. Nhóm 2 dùng thuốc remdesivir do phòng thí nghiệm Gilead phát triển để điều trị bệnh Ebola. Nhóm 3 dùng kết hợp 3 loại thuốc lopinavir, ritonavir và kaletra do phòng thí nghiệm AbbVie phát triển để chữa bệnh HIV/AIDS. Nhóm 4 thử nghiệm hỗn hợp thuốc kaletra-interferon beta của phòng thí nghiệm Merck. 

Giới chức y tế Pháp cũng đang rất mong đợi vào kết quả của một dự án về xét nghiệm huyết thanh để bổ sung cho cách thức xét nghiệm truyền thống bằng mẫu bệnh phẩm lấy qua đường mũi họng như hiện nay.

Lệnh phong tỏa toàn quốc ở Đan Mạch

Lệnh phong tỏa toàn quốc ở Đan Mạch

Ủy ban châu Âu (EC) có trụ sở tại thủ đô Brussels (Bỉ) xác nhận đã có 4 nhân viên dương tính với virus SARS-CoV-2. Cơ quan này yêu cầu tất cả các nhân viên từ Italy trở về phải thực hiện cách ly trong hai tuần. Các khóa đào tạo nội bộ cũng bị đình chỉ ít nhất đến ngày 3/4.

Tại Thụy Điển, thông báo mới nhất từ chính phủ nước này cho biết số ca mắc COVID-19 đã lên tới 500 người, tăng 147 người chỉ trong một ngày. Chính phủ Thụy Điển đã ra lệnh cấm toàn bộ các hoạt động có từ 500 người tham gia trở lên. Ai vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc ngồi tù 6 tháng. Ngoài ra, Chính phủ Thụy Điển còn quyết định bơm thêm 1 tỷ SEK (tương đương 100 triệu USD) vào hệ thống chăm sóc sức khỏe để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch.

Hungary cũng đã ban hành sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, trong đó áp dụng các biện pháp khẩn gồm cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đến từ 4 nước Italy, Hàn Quốc, Iran và Trung Quốc. Nước này cấm tổ chức các sự kiện trong nhà có trên 100 người tham gia và các sự kiện ngoài trời có từ 500 người tham gia; đóng cửa các trường đại học.

*Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng 12/3 tuyên bố cấm toàn bộ di chuyển từ các nước châu Âu tới Mỹ trong 30 ngày giữa diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Covid-19. Động thái được ông Trump đưa ra như một biện pháp nhằm kìm hãm sự lây lan của virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Lệnh cấm nhập cảnh quyết liệt này có hiệu lực từ ngày 13/3 và kéo dài trong 30 ngày tới. Ông Trump tạm thời để Anh, một nước đồng minh, là nước ngoại lệ với lệnh cấm này và người vào Mỹ từ Anh vẫn sẽ được nhập cảnh bình thường.

Lệnh cấm còn áp dụng đối với một lượng lớn hàng hóa và hoạt động thương mại. Bất kỳ thứ gì từ châu Âu vào Mỹ đều nằm dưới sự kiểm soát. Một nhà ngoại giao châu Âu cho rằng Mỹ đã không phối hợp khi ban hành lệnh cấm. Chứng khoán thế giới ngày 12/3 lại lao dốc sau khi ông Trump ra lệnh cấm.

Nguồn: Worldometers, Reuters, Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm