pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cụ bà 80 tuổi cô đơn khi sống một mình: "Tôi không đòi hỏi các con phải ở bên nhưng thật quá trống trải"
Một cụ bà 80 tuổi ở thành phố Chu Châu (Hồ Nam, Trung Quốc) đã đăng tải video kể về nỗi cô đơn của mình.
Con gái sang Mỹ, con trai sống ở Quảng Châu, 8 đứa cháu ngoại không ở bên cạnh, bà sống một mình qua ngày và cảm thấy rất cô đơn.
Được biết, cụ bà đã có thời gian gần 40 năm làm giáo viên, ươm mầm rất nhiều nhân tài cho xã hội. Với cương vị là một người mẹ, bà đã nuôi dạy con trai và con gái trở thành những người ưu tú, có sự nghiệp riêng, sống khá giả, đủ đầy.
Có con có cháu, nhưng bà hiện tại chỉ sống một mình. Bà nói rằng bản thân không biết tiếp tục sống như thế nào, ngày ba bữa cũng không buồn nấu. Bà cho rằng vì ngày xưa gia đình cùng nhau quây quần bên nhau, đông người thì ăn gì ngon, còn bây giờ ăn một mình, bà không còn tha thiết dẫu trên bàn đều là cao lương mỹ vị, hương vị ngày xưa không còn nữa.
Cụ bà nói rằng con trai, con gái và các cháu không ở bên cạnh, nhưng bà vẫn thấu hiểu được. Vì các con đã có gia đình riêng, có cuộc sống riêng nên không thể cưỡng cầu chúng ở với mình cả đời.
“Không thể vì một người già gần đất xa trời ở nhà mà con cháu phải nghỉ làm, dừng kiếm tiền. Như vậy thì thật sự ích kỷ. Tôi hiểu điều đó, đã cố gắng không đòi hỏi và làm phiền đến con. Nhưng đổi lại là sự cô đơn, trống trải đến đau lòng”, cụ bà 80 tuổi chia sẻ.
Sau khi cụ bà 80 tuổi đăng đoạn video này lên mạng xã hội, cư dân mạng đã “dậy sóng”. Một số người cho rằng việc bà “lên mạng than thở” cũng là một kiểu oán trách con cái. Người biết thấu hiểu thật sự sẽ không phản ứng, mà tỏ ra bình thường và chấp nhận với điều đó.
Cũng có nhiều người lại cho rằng, họ nên giống như một bà cụ 80 tuổi này, hy sinh bản thân và nuôi dưỡng thế hệ tương lai. Những năm cuối đời cô đơn cũng không sao, quan trọng nhất là nuôi dạy những đứa con ưu tú.
Thật vậy, nuôi dưỡng con cái trở thành người hữu ích cho xã hội là thiên chức của bậc làm cha làm mẹ. Phụng dưỡng cha mẹ lúc về già cũng là sự tận tâm tận hiếu mà con cái nên có.
Song bậc cha mẹ lớn tuổi cũng không nên kỳ vọng quá nhiều hoặc cưỡng cầu con cái phải “trả lại công ơn dưỡng dục của mình” khi về già. Chỉ là phận làm con thì nên cố gắng kiếm tiền và dành nhiều thời gian cho cha mẹ nhiều nhất có thể. Nhưng khi con cái không có thời gian ở bên cạnh và bận rộn với cơm áo gạo tiền, họ cũng hy vọng rằng bố mẹ già cũng có thể thấu hiểu và hỗ trợ cho họ.
Đến đây, có thể nhiều người sẽ hỏi: “Người ta khi về già có cô đơn như vậy không?”.
Dân gian có câu: “Nuôi con để phòng già”. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, ngày càng có nhiều người già, họ có con có cháu, nhưng vẫn cảm thấy rất cô đơn.
Trước đây, khi mà tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn khá trầm trọng, nhiều người cảm thấy có con trai là tốt nhất, vì sau này có thể nương tựa. Con gái lớn lên đi lấy chồng như bát nước đổ đi, cuối cùng làm dâu nhà người ta.
Nhưng trong thế kỷ 21, thời thế đã khác. Sinh con dưỡng cái cũng vậy, khi lớn lên, ai cũng có gia đình riêng, cuộc sống riêng. Do đó ngày càng có nhiều người già ở nhà một mình và tự chăm sóc bản thân.
Đối với câu hỏi “Người già có cô đơn không?”, câu trả lời còn tùy thuộc vào mỗi người.
Khi về già sống một mình, nhiều người vẫn có thể tìm kiếm việc mình yêu thích để làm. Nếu còn sức khỏe và đủ điều kiện kinh tế thì đi chơi, du lịch, mua sắm. Nếu muốn tập trung vào thế giới nội tâm thì làm vườn, trồng hoa, sống tối giản, đọc sách, làm đồ thủ công.
Người già cũng có thể thường xuyên ra ngoài trò chuyện với những người cùng tuổi, đồng hành cùng nhau, cho vơi đi cảm giác cô đơn.
Tất nhiên, một số người già cũng có thể chọn sống trong viện dưỡng lão khi họ không thể chịu đựng được sự quạnh hiu khi ở nhà một mình và không có ai chăm sóc.
Cô đơn, có lẽ là cảm giác không thể tránh khỏi khi chúng ta sống một mình và khao khát về những khoảnh khắc tề tựu bên gia đình. Song nếu biết dung dị với điều đó, tìm kiếm niềm vui cho riêng mình, nghĩ thoáng hơn thì đâu đâu cũng là hạnh phúc, bất kể bạn đang ở độ tuổi nào.