Cụ bà gần trăm tuổi rưng rưng nhớ Tết

16/02/2018 - 09:45
Hơn 70 năm trước, cụ Uông Thị Nghiêm về làm dâu trong một gia đình đông người ở phố Hàng Bông, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Từ góc cửa hàng của gia đình mà cụ có cơ hội nhìn ngắm Hà Nội những ngày Tết...
Cụ Uông Thị Nghiêm năm nay đã bước vào tuổi 92 nhưng  vẫn còn minh mẫn nhanh nhẹn. Hơn 70 năm trước, cụ về làm dâu trong một gia đình đông người ở phố hàng Bông. “Hồi còn con gái, tôi dù đã được mẹ dạy tề gia nội trợ nhưng sau khi lấy chồng, tôi vẫn không tránh khỏi lạ nước lạ cái” - cụ Nghiêm bồi hồi - “Thật may là mẹ chồng rất tâm lý nên vừa yêu thương tôi, vừa chỉ bảo tôi nếp ăn ở, sinh hoạt, tính cách từng thành viên trong gia đình”.

Nhà chồng cụ Nghiêm có một cửa  hàng bán đồ trang sức bạc, ngày ngày, cụ và các chị em chồng vẫn thay nhau ngồi bán hàng. “Dịp trước Tết, các thiếu nữ tới sắm vòng, nhẫn bạc khá đông. Các cô gương mặt rạng rỡ, đứng bên ngoài ô tủ kính ngắm đồ. Đồ bạc chúng tôi bán đều thật, giá niêm yết rõ ràng, không nói thách. Cô nào thích thì mua, không thì trả lại cũng không sao. Cả người bán người mua đều vui vẻ, nói với nhau rất nhẹ nhàng”.

Cũng từ góc cửa hàng ấy mà cụ Nghiêm có cơ hội nhìn ngắm Hà Nội những ngày giáp Tết. Cụ kể: “Đường phố Hà Nội ngày đó thanh bình lắm. Mọi người chủ yếu đi bộ trên hè phố. Phụ nữ Hà Nội xưa ra đường một bước cũng thay áo dài, tóc chải gọn gàng. Thi thoảng có người gánh  hoa đào, hoa cẩm chướng, thược dược đi ngang qua khiến lòng tôi chộn rộn”.

28109534_1760982970591686_1082864693_n.jpgCụ Ngiêm (bìa phải) ngồi gói bánh chưng cùng gia đình.


Khoảng sau dịp ông Công ông Táo nhà cụ Nghiêm đóng cửa hàng để chuẩn bị đón Tết. Cụ cùng với mẹ chồng đi bộ lên chợ Đồng Xuân sắm đồ. Đi qua từng con “phố Hàng”, thấy Tết hân hoan về. Phố hàng Ngang, hàng Đào rực rỡ tơ lụa. Các cửa hàng ở phố hàng Đường lại tấp người người ra vào mua mứt kẹo, ô mai truyền thống. Riêng hoa Tết, có năm gia đình cụ mua ở chợ hoa Đồng Xuân nhưng có năm thì lên tận Nhật Tân.

Gia đình cụ Nghiêm rất thích hoa đào, ngoài cành đào to cắm lọ bao giờ cũng mua thêm ít đào dăm cắm trên ban thờ. Một số nhà khác ở Hà Nội thì có thú chơi hoa thủy tiên. Thú chơi này còn phát triển, được tổ chức thành hội thi cứ mỗi giao thừa.

28117023_1760982977258352_2056473685_n.jpg
Đại gia đình đi chúc Tết, vợ chồng cụ Nghiêm đi sau cùng. (Ảnh tư liệu gia đình)

 

Trong dịp Tết, cụ Nghiêm là người đứng bếp nhưng vẫn có sự giúp đỡ của mẹ và các chị em chồng. Nhiều cái Tết, nhà cụ còn tổ chức gói bánh chưng. Những mâm gạo, đậu xanh, thịt thà, lá dong… được bày trên sập gụ, sau đó các chị em vừa gói bánh, vừa kể chuyện rất vui. Cụ Nghiêm khéo tay, gói bánh không cần khuôn mà chiếc nào cũng vuông thành sắc cạnh, đều tăm tắp. Hiện trong nhà cụ vẫn còn giữ được những bức ảnh chụp cảnh gói bánh đón Tết. Thi thoảng, cụ vẫn cùng con cháu giở ra xem, cùng ôn lại kỷ niệm xưa.

“Mâm cơm Tết của nhà tôi có đủ các món như canh bóng nộm, vịt rút xương hầm nhồi cốm hạt sen, xôi gấc, bánh chưng… Hiện nay, nhiều người kiêng ăn mực dịp năm mới nhưng nhà tôi còn nấu món canh mực dịp Tết. Mực ngâm cho mềm rồi thái chỉ, xào cho quăn lên như nhụy hoa, sau đó xếp vào bát canh cùng với trứng, giò thái chỉ nhìn rất đẹp mắt, ăn lại ngon miệng”-cụ Nghiêm kể. Món nào cũng được nấu tinh tế, cẩn thận và lượng vừa đủ ăn. Mẹ chồng cụ rất coi trọng sự tiết kiệm dù gia đình không phải thiếu điều kiện để nấu nướng tràn trề.

28232979_1760982983925018_133415342_n.jpg
Vợ chồng cụ Nghiêm thời trẻ cùng các con. (Ảnh tư liệu gia đình)

 

Cụ Nghiêm bảo, mỗi độ giao thừa lại là dịp để các thành viên trong nhà cụ quây quần bên bàn thờ gia tiên. Sau khi năm mới sang thì con cháu xếp hàng nghe ông bà dặn dò và lễ phép nhận tiền mừng tuổi. Gia đình cụ Nghiêm rất cẩn thận trong việc tìm người xông nhà. Đó thường là nam giới, học cao biết rộng, lịch sự, có uy tín để hy vọng năm mới làm ăn hanh thông, mọi người khỏe mạnh, trên ấm dưới hòa. Những ngày sau đó, gia đình thường cùng nhau đi thưởng Xuân, lễ chùa Bà Đá, chùa Quán Sứ… Nữ mặc áo dài trắng, nam giới sơmi caravat, cùng đi giày trắng rất lịch sự. Mẹ chồng cụ và sau này là cụ thường xin trời ban chữ Phúc cho cả đại gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm