Đội ngũ giáo viên bài bản
Một báo cáo của UNESCO từng công bố, Cuba đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng giáo dục qua các bài kiểm tra quốc tế. Kết quả này có được xuất phát từ lý do lớn nhất là giáo dục ở Cuba được đầu tư bền vững, giáo viên chất lượng cao, ưu đãi thưởng xứng đáng.
Yamile Alvarz Dreke, giáo viên trường Tiểu học Carlos Paneque Vazquez, ở khu phố cổ (Havana), cho biết: Ở Cuba, tất cả người dân đều bắt buộc phải học hết lớp 9. Nếu không chịu đi học sẽ bị đưa vào trường giáo dưỡng. Học sinh từ 12 tuổi trở lên có thể vào các trường dạy nghề.
“Giáo dục ở đây miễn phí hoàn toàn từ khi biết đi đến sau đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (nếu vẫn đáp ứng được yêu cầu chuyên môn). Những em học 2 buổi/ngày sẽ có ăn trưa, ăn chiều. Sách vở, đồng phục cũng được cấp miễn phí. Nếu trẻ em không thể đến trường vì khuyết tật hay bệnh tật, giáo viên sẽ được cử đến tận nhà để dạy. Ngoài ra, còn có đào tạo đại học từ xa thông qua truyền hình”, Yamile Alvarz Dreke cho hay.
Một thông tin khá thú vị nữa, cũng theo UNESCO, là vài năm trở lại đây, so với Mỹ, Cuba chi gấp đôi tỷ lệ ngân sách quốc gia cho giáo dục. Theo đó, đất nước này trung bình mỗi năm dành khoảng 12,9% GDP và 18,3% tổng chi của Chính phủ cho giáo dục. Trong khi đó, ngân sách của Mỹ dành cho giáo dục chỉ là 5,4%. Với sự đầu tư hào hiệp hàng đầu cho giáo dục, từ sau chiến dịch xóa mù chữ năm 1961, Cuba đã dẫn đầu khu vực Trung, Nam Mỹ và vùng Caribe về tỷ lệ biết đọc viết, triển khai giáo viên xóa mù chữ đến hơn 20 nước.
Qua chương trình Yo si puedo (Vâng! Tôi có thể), hơn 6 triệu người đã biết đọc viết (trong đó có hơn 1,5 triệu người Venezuela). Năm 2006, cùng với hơn 15 nước, Cuba được UNESCO trao tặng giải thưởng “King Sejong” về phương pháp học chữ sáng tạo để thúc đẩy tiềm năng cá nhân và xã hội.
Những ngành học có thương hiệu
Sinh viên ngành múa không ai không biết đến thương hiệu của trường ENB, trường dạy ballet lớn nhất thế giới với 3.000 sinh viên theo học. Sau hơn nửa thập kỉ đối đầu ngoại giao giữa Cuba và Mỹ, được hóa giải bởi hai nhà lãnh đạo là Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama, lần đầu tiên vào năm 2016, đã có những sinh viên đầu tiên người Mỹ theo học chương trình chính khóa tại ngôi trường danh giá này.
Mặc dù, các trừng phạt kinh tế hà khắc của Mỹ trong quá khứ gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Cuba nhưng giáo dục - đào tạo Cuba vẫn có được danh tiếng quốc tế, đặc biệt là những ngành đào tạo như y hoặc nghệ thuật.
Không chỉ với ngành nghệ thuật, có khoảng 60 trường đại học công lập tại đây đã nâng danh tiếng trong vài thập kỉ qua nhờ vào cam kết đầu tư cho giáo dục của Chính phủ với người dân. Từng có 5 trường ĐH Cuba lọt vào bảng xếp hạng những trường ĐH hàng đầu Mỹ Latinh do QS thực hiện. Xếp hạng này dựa trên những yếu tố như tỉ lệ giảng viên/sinh viên, số công trình khoa học được công bố, mạng lưới nghiên cứu quốc tế, tỉ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ khoa học, đánh giá năng lực cử nhân của chủ lao động.
UNESCO khẳng định, trình độ trung bình của sinh viên Cuba cao nhất trong số các nước tại Mỹ Latinh và thông thường, một sinh viên Cuba có chỉ số kiến thức và kỹ năng cao gấp đôi so với sinh viên các nước khác tại Mỹ Latinh.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, kể cả các quốc gia phát triển nhất trên thế giới cũng không có mức độ đầu tư cho giáo dục cao như Cuba. Đứng sau đảo quốc Caribe này về tỷ lệ ngân sách giáo dục/GDP là Timor Leste (11,3%) và Đan Mạch (8,7%). Tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Bolivia xếp thứ hai sau Cuba với mức đầu tư giáo dục chiếm 7,6% GDP. Trong số các nền kinh tế lớn nhất khu vực, Brazil và Argentina cùng có tỷ lệ 5,8%, trong khi chỉ số này của Mexico là 5,2%.
Với những người muốn học ngôn ngữ Tây Ban Nha thì Cuba là một địa điểm lí tưởng. Đặc biệt, tiếng Tây Ban Nha được sử dụng tại Cuba có sự giao thoa giữa tiếng Tây Ban Nha gốc và tiếng Tây Ban Nha được nói tại Mỹ Latinh. Vì thế, nếu học tiếng Tây Ban Nha Cuba thì vừa sử dụng tốt ngôn ngữ này tại Tây Ban Nha, vừa sử dụng tốt tại Mỹ Latinh.