Cùng công việc, nữ có thu nhập thấp hơn nam 10 - 30%

17/03/2018 - 17:46
Theo báo cáo của ILO, tình trạng bất bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm còn khá lớn. Khảo sát cho thấy, cùng một coongg việc, thu nhập của nữ vẫn thấp hơn nam từ 10% đến 30%.
lao_dong_nu_ifxi.jpg
Thu nhập của lao động nữ thấp hơn nhiều so với lao động nam. (Ảnh minh họa)

 
Theo một nghiên cứu được công bố mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), phụ nữ ít có cơ hội tham gia vào thị trường lao động và có nhiều nguy cơ thất nghiệp hơn nam giới ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới. 

Báo cáo Triển vọng Xã hội và Việc làm của thế giới trong năm 2018 cho thấy trên phạm vi toàn cầu, thu nhập trung bình của phụ nữ thấp hơn nam giới tới 23%.

Riêng tại khu vực châu Á, phụ nữ chỉ kiếm được bằng khoảng 70 - 90% so với nam giới. 

Tại Liên minh châu Âu, mức chênh lệch trong thu nhập giữa nam và nữ là khoảng 16%. Cụ thể, nếu nam giới kiếm được 1 Euro trong một giờ làm việc thì con số này ở nữ giới chỉ được trung bình là 84 Cent.

Tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập giữa hai giới tại Mỹ thậm chí còn cao hơn châu Âu, lao động nữ được trả lương thấp hơn lao động nam tới 20%.

Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế cũng kêu gọi các quốc gia cần nỗ lực hơn nữa để chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới trong việc trả lương. Các nước cần xem đây như là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm hướng đến một thế giới không còn bất công.

Tại Việt Nam, Báo cáo Điều tra Lao động Việc làm quốc gia mới nhất (2016) cho thấy tỷ lệ nữ giới có việc làm thấp hơn 9% so với nam giới. Ở cấp quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp của nữ giới khá tương đồng so với nam giới, duy trì ở mức thấp 2,2% (so với tỷ lệ 2,4% của nam giới), trong đó mức độ thất nghiệp của phụ nữ trẻ cao hơn một chút so với nam giới (lần lượt là 7,5% và 7,38%).

Khoảng cách về giới đặc biệt rõ nét khi xét về khía cạnh loại hình công việc. Nhiều phụ nữ phải làm những công việc dễ bị tổn thương (thường không ổn định và ít có bảo hiểm xã hội) hơn so với nam giới. Trong năm 2016, tỷ lệ lao động tự làm và lao động gia đình không được trả lương ở nữ giới cao hơn nam giới tới 12,4%. Trong nhóm lao động làm công ăn lương, thu nhập từ việc làm hàng tháng trung bình của nam giới cao hơn phụ nữ 10,7% (5,3 triệu đồng so với 4,7 triệu đồng).

Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình Đẳng giới cho biết, những năm qua, Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về sự bình đẳng giới, tuy nhiên trên thực tế, thu nhập của nữ giới vẫn thấp hơn nhiều so với nam giới. Một trong những nguyên nhân lý giải thực tế này là do phụ nữ thường tham gia vào những công việc chăm sóc không lương nhiều hơn nam giới. Hơn nữa, nữ giới làm việc trong những ngành nghề không đòi hỏi kỹ thuật cao, do đó, tiền lương cũng thấp hơn nhiều so với nam giới. 

bat-binh-dang-ve-thu-nhap-giua-nam-va-nu.jpgTrên phạm vi toàn cầu, thu nhập trung bình của phụ nữ thấp hơn nam giới tới 23%. Ảnh minh họa

 
Theo ông Tiến, giải quyết vấn đề này, cần có những quy định rõ ràng hơn nữa để phụ nữ và nam giới tham gia các công việc một cách bình đẳng hơn. Bên cạnh đó, cần có thêm những chính sách tập trung đào tạo nghề, nâng cao trình độ năng lực cho phụ nữ, đặc biệt là các phụ nữ ở nông thôn để có công việc ổn định, bền vững trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0. 

Ngoài ra, giảm bớt thời gian cho các công việc không lương cũng là việc cần đẩy mạnh để kéo gần hơn khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ giới. Muốn vây, ông Tiến cho rằng cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho nam giới, đồng thời cung cấp tốt hơn các dịch vụ hỗ trợ như chăm sóc trẻ, dọn nhà…

Còn theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng, quá trình toàn cầu hóa, chuyển dịch lao động đang tạo ra những thách thức lớn đối với lao động nữ. 

“Lao động nam đến tuổi trưởng thành có thể tìm việc ở bất cứ đâu, mà không phải chịu những ràng buộc về mặt sinh lý, sức khỏe, hoàn cảnh. Nhưng phụ nữ từ 18-30 tuổi lại phải tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng gia đình.  Cuộc cách mạng khoa học 4.0, mở ra nhiều cơ hội cho người lao động, nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với lao động nữ”, bà Ngọc Anh nhận định.

Chuyên gia này cũng cho rằng, dù không công khai, nhưng hiện nay trong quá trình tuyển dụng  tại các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp vẫn có những ưu tiên “ngầm” với các lao động nam hơn là lao động nữ. Để cạnh tranh với các ứng viên nam, các ứng viên nữ phải thực sự nổi trội, xuất sắc, hoặc có những cam kết nhất định về thời gian sinh con, lập gia đình sau khi làm việc….

Chuyên gia này cho rằng, về vĩ mô, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc thu hẹp khoảng cách giữa nam giới và nữ giới. Song nhiều vấn đề vẫn chỉ dừng lại ở chính sách mà chưa đi vào thực tế./.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm