pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cùng nhau nuôi lợn nhựa khuyến học khuyến tài
Hội LHPN tham gia mổ lợn nhựa và tổng hợp kết quả tiết kiệm được của từng gia đình hội viên. Nguồn: Hội LHPN Đoan Hùng
Đoan Hùng là một huyện miền núi nằm ở phía Bắc của tỉnh Phú Thọ, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như người Sán Chay (Cao Lan), người Mường, Tày, Nùng và một bộ phận nhỏ các dân tộc anh em khác… Trong những năm qua, cùng với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương, các cấp Hội phụ nữ trong huyện Đoan Hùng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động công tác khuyến học, khuyến tài trong đó nổi bật là Phong trào "Tiết kiệm nuôi lợn nhựa khuyến học khuyến tài".
Chị Phạm Thị Tâm, ở xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng chia sẻ: "Thời gian đầu, tôi cũng không mặn mà với việc nuôi lơn nhựa vì nghĩ rằng phiền hà, trong khi tự mình có thể tiết kiệm được, đâu cần phải có lợn nhựa. Cũng vì tâm lí ấy nên cả năm trời tôi chẳng để ra được mấy đồng. Đầu năm học đến, tôi còn phải đi vay tiền để sắm sửa sách vở, quần áo cho 3 đứa con đến trường". Được các chị trong Hội LHPN xã phân tích, chị Tâm đã nuôi lợn nhựa. Vẫn là việc tiết kiệm nhưng chị đã thực hiện bài bản hơn, nghiên túc hơn. Chị không còn lo lắng thiếu tiền khi năm học mới đến.
Được triển khai từ năm 2014, phong trào "Tiết kiệm nuôi lợn nhựa khuyến học khuyến tài" được các cấp Hội phụ nữ duy trì hằng năm. Thành viên nòng cốt là các hội viên, phụ nữ có con dưới 16 tuổi. Theo đó, mỗi gia đình tùy theo khả năng tài chính của từng gia đình để nuôi 01 con lợn nhựa.
Thời gian đầu mới phát động phong trào còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chị em chưa đồng thuận tham gia vì cho rằng phiền hà, mất thời gian, bản thân các chị có thể tự tiết kiệm và chủ động về thời gian mổ lợn nhựa, do vậy số lượng lợn được nuôi cũng như số tiền tiết kiệm chưa nhiều.
Để tạo sự chuyển biến về nhận thức, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã chú trọng công tác tuyên truyền với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, lồng ghép thông qua hội nghị tập huấn, truyền thông, sinh hoạt chuyên đề, giao lưu, tọa đàm, hội thi, sinh hoạt chi/tổ phụ nữ, câu lạc bộ, họp khu dân cư, tuyên truyền ở mọi lúc, mọi nơi; phối hợp tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, trên hệ thống Đài truyền thanh cơ sở...
Đặc biệt tại một số địa bàn khó khăn, các chị chi/tổ trưởng đã đến từng nhà, tặng lợn nhựa hướng dẫn chị em cách "nuôi lợn nhựa" như thế nào cho hiệu quả, từ đó mọi người đã thay đổi về nhận thức, thấy được việc tiết kiệm như vậy sẽ chủ động kinh phí học tập cho con và tích cực tham gia phong trào.
Việc mổ lợn nhựa được thực hiện vào tháng 8 hằng năm, Hội LHPN các xã, thị trấn tổ chức ngày hội mổ lợn nhựa tiết kiệm khuyến học, với quy mô, cách thức tổ chức đa dạng: tổ chức mổ lợn nhựa đồng loạt tại UBND xã, theo cụm khu dân cư, tại chi hội….
Số tiền tiết kiệm trên được để lại các gia đình sử dụng vào việc mua dụng cụ học tập, sách vở, quần áo và các khoản đóng góp đầu năm học cho con em bước vào năm học mới, đồng thời trích một phần nhỏ giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và một phần ủng hộ cho quỹ khuyến học khuyến tài của địa phương.
Theo thống kê, hằng năm, trên địa bàn huyện nuôi được trên 7.000 con lợn nhựa với số tiền tiết kiệm gần 10 tỷ đồng. Năm 2022, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện đã nuôi được gần 7.500 con lợn nhựa với số tiền tiết kiệm được trên 9,8 tỷ đồng. Số tiền tiết kiệm trung bình của một con lợn đạt gần 4 triệu đồng/con, nhiều con lợn đạt trên 8 triệu đồng, điển hình con lợn có số tiền tiết kiệm cao nhất thuộc về xã Tiêu Sơn đạt trên 38 triệu đồng.
Cho đến nay, sau gần 10 năm triển khai thực hiện phong trào "Tiết kiệm nuôi lợn nhựa khuyến học, khuyến tài" đã đi vào nề nếp, trở thành Ngày hội hằng năm. Phong trào được triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao.