Đi làm hoặc sinh con?
Cô Nobuko Ito là hình tượng của mẫu phụ nữ hiện đại năng động tại Nhật Bản với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành luật sư cùng khả năng nói tiếng Anh trôi chảy. Cô Nobuko từng làm việc 6 năm tại một tập đoàn luật quốc tế. Tuy nhiên, sau khi sinh 3 đứa con, Nobuko không thể tiếp tục công việc yêu thích của mình bởi cô chỉ được chọn 1 trong 2 nhiệm vụ:
Đi làm hoặc làm mẹ. “Nếu tôi muốn tiếp tục theo đuổi công việc, tôi sẽ không có thời gian chăm sóc cho các con. Điều đó là không thể", cô Nobuko nói. Trong chương trình khuyến khích phụ nữ nâng cao vị thế trong phát triển kinh tế đất nước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nữ giữ vị trí lãnh đạo trong các công ty lên 30% vào năm 2020. Tuy nhiên, hiện phần lớn lao động nữ Nhật Bản vẫn phải làm những công việc bán thời gian và có mức thu nhập không ổn định.
Thậm chí, nhiều phụ nữ sau khi lấy chồng, sinh con bị buộc phải từ bỏ công việc toàn thời gian của mình để chăm con. Câu chuyện của Nobuko đã phần nào phản ánh văn hóa công sở khắc nghiệt tại “đất nước mặt trời mọc. Đây cũng là nguyên nhân khiến 70% phụ nữ Nhật Bản từ bỏ công việc khi sinh con. Lý do thứ hai đến từ người bạn đời của họ.
Theo kết quả khảo sát, đàn ông Nhật Bản dành thời gian làm việc nhà giúp vợ rất ít. Thời gian nam giới Nhật Bản làm việc nhà là 1 giờ/ngày và chỉ dành 15 phút để chơi với con.
Ngoài ra, những bà mẹ đơn thân ở Nhật Bản được xem là cực nhọc nhất trong số những phụ nữ đang nuôi con một mình trên thế giới. Khi phải gánh vác chuyện chăm sóc con cái một mình, đi làm công việc trả lương cao dường như là điều quá sức với họ, đồng thời cơ hội ứng tuyển vào các vị trí quan trọng thường không dành cho họ. Theo ông Jeff Kingston, giáo sư tại Đại học Temple, nhiều phụ nữ bỏ việc khi họ có con đầu lòng.
Đến khi vợ chồng ly hôn, quãng thời gian họ nghỉ việc đã trở nên quá dài. Khi phụ nữ Nhật Bản cố gắng trở lại với công việc, họ thường chỉ có khả năng tìm công việc bán thời gian với mức lương thấp. Các nhà tuyển dụng luôn lo ngại rằng, những bà mẹ đơn thân sẽ không thể chú tâm hoàn toàn vào công việc và vì thế, họ thường không được đánh giá cao.
Cần xóa bỏ định kiến
Xã hội Nhật Bản vẫn còn mắc kẹt trong định kiến về vai trò của phụ nữ mặc dù những chính sách về bình đẳng giới đã được luật pháp ban hành từ những năm 1990. Những phụ nữ sinh con sau thời gian nghỉ thai sản khó có thể tìm được công việc tốt, ngay cả khi trước đó họ có công việc toàn thời gian ổn định. Sau khi nghỉ thai sản, họ trở thành nhân viên không chính thức.
Nếu muốn tiếp tục làm việc thì cường độ làm thêm dày đặc hay việc công ty không có chính sách hỗ trợ phụ nữ có con nhỏ khiến họ không thể làm tốt vai trò của mình. Cùng với đó là sự thiếu thông cảm của đồng nghiệp. Khi công ty cho phụ nữ có con nhỏ về sớm 1 tiếng đồng hồ để đón con thì các đồng nghiệp nam phàn nàn họ làm ảnh hưởng đến công việc chung. Chiến lược gia kinh tế Kathy Matsui cho rằng, việc duy trì số lượng phụ nữ đã kết hôn tiếp tục đi làm hoặc đi làm lại sau khi sinh con cần được xem là “ưu tiên hàng đầu mang tầm quốc gia” của Nhật Bản.
Theo bà Matsui, phương án trên sẽ đóng góp 15% trong tổng thu nhập quốc dân của Nhật Bản. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, cường quốc kinh tế châu Á đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực. Hiện chính quyền Nhật Bản đang thúc đẩy vai trò của phụ nữ và xem phụ nữ là “nguồn tài nguyên chưa được khai thác”.
Điều cần thiết nhất là chính phủ Nhật Bản phải giải quyết được tình trạng thiếu hụt cơ sở chăm sóc trẻ. Tiếp đến, phải tăng mức thu nhập cho những người làm việc tạm thời. Nam giới cần dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc gia đình vì phụ nữ khó có thể tiếp tục làm việc nếu không có sự chia sẻ từ các thành viên khác trong gia đình.