Chàng sinh viên mà Hằng yêu cầu chúng tôi cung cấp thông tin, không ngờ lại là người bán tinh trùng chuyên nghiệp…
1. Hằng gặp Tùng - tên cậu sinh viên đó - ở trước khoa hiếm muộn của bệnh viện phụ sản - nơi cô đang điều trị. Ngồi cạnh nhau trong lúc đợi khám, thấy vẻ nóng lòng của Tùng, Hằng chủ động bắt chuyện trước. Tùng đi hiến tặng tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng của bệnh viện. Sắp tới anh ta đi du học, nhưng bằng tiền tự túc nên sẽ phải vất vả vừa học vừa làm, e rằng sức khỏe sau này không đảm bảo. Vì vậy Tùng muốn gửi gắm ở đó, biết đâu về sau lấy vợ muộn, khó có con thì sẽ không phải lo chuyện “con giống”.
Hằng thầm nghĩ, anh chàng này còn trẻ mà đã lo xa quá. Nhưng lo xa cũng có cái hay, bây giờ y học phát triển, giữ gìn “giống” từ lúc còn trẻ vậy cũng tốt chứ. Như chồng Hằng, ngày còn trẻ ăn chơi, nhậu nhẹt, đến 35 tuổi mới lập gia đình. Muốn có con thật khó khăn. Chờ 3 năm không thấy gì, đi khám mới biết là anh bị tinh trùng yếu. Điều trị 5 năm rồi mà vẫn thất bại. Bác sĩ đưa ra lời khuyên vợ chồng Hằng nên xin tinh trùng.
Lúc đầu Tính - chồng Hằng - không chịu. Tuy nhiên, áp lực của gia đình ngày càng lớn, mà hy vọng thì lại ngày càng giảm. Mới đây, thêm một lần thất bại nữa, bác sĩ lặp lại lời khuyên nên xin tinh trùng. Lúc này Tính đã xiêu xiêu nên khi Hằng bảo để cô xem thủ tục ra sao thì Tính không nói gì.
Tùng nói, với anh ta thì Hằng có thể yên tâm, gia đình Tùng có gốc gác, giấy tờ khám sức khỏe rõ ràng. Anh ta đã “cho” 2 - 3 người thành công. Tùng đang cần tiền đi học và chỉ “cho” những người thật sự cần, chứ không phải là làm dịch vụ chuyên nghiệp. Tùng còn cung cấp bản xét nghiệm cho Hằng, các chỉ số đều khá tốt.
2. Hằng thấy Tùng về cơ bản đều đạt yêu cầu. Tuy nhiên, đây là việc hệ trọng, ảnh hưởng đến con cái sau này, nên Hằng cẩn thận muốn biết rõ gốc gác của Tùng trước khi quyết định. Cô nhờ thám tử tìm về quê, đến tận nơi để xem gốc gác gia đình Tùng. Quả thật, Tùng là con nhà khá nề nếp, gia đình nội ngoại đều là những người khỏe mạnh.
Tùng lên TPHCM học, ở trong ký túc xá. Anh ta ít la cà cà phê cà pháo, nhậu nhẹt với các bạn học cũng như bạn cùng phòng. Có lẽ Tùng giữ gìn sức khỏe để có “con giống” tốt chăng? Khi làm quen với anh ta trong thư viện, thám tử đã có câu trả lời. Tùng có mục đích rất rõ ràng, anh ta muốn kiếm 1 khoản tiền kha khá rồi đi du học. Tùng đã xin được học bổng bán phần nhưng không đủ tiền chi phí, học phí còn lại. Vì vậy, anh ta ráo riết kiếm tiền để đi, nếu trễ thì học bổng sẽ hết thời hạn.
Tùng thấy thám tử “nhìn cũng được” nên đã hỏi có muốn kiếm tiền bằng cách này không? Thám tử đồng ý, Tùng nhiệt tình hướng dẫn. Anh ta nói là tự tìm hiểu, tự tìm khách hàng và chỉ kiếm đủ tiền mà thôi. Còn nếu muốn kiếm tiền thường xuyên thì anh ta có quen biết một chỗ dịch vụ. Họ yêu cầu thám tử phải xét nghiệm đầy đủ, lưu giữ hồ sơ ở đó. Khi nào có người cần thì sẽ gọi đến lấy. Tùng tiết lộ, dịch vụ này sẽ lấy tiền được nhanh nhưng không nhiều, do tụi cò mồi đã ăn chặn hết rồi. Nếu chịu khó và khôn khéo tự mình tiếp cận thì sẽ kiếm được “mối” trực tiếp, tiền khá hơn nhiều.
Khi biết sự thật, Hằng không còn muộn nhận tinh trùng của chàng trai này nữa (Ảnh minh họa) |
3. Mặc dù thông tin mà thám tử tìm kiếm được về Tùng cho thấy anh ta không mua bán tinh trùng chuyên nghiệp, có động cơ kiếm tiền chính đáng… nhưng Hằng đã đổi ý không muốn nhận tinh trùng từ anh ta nữa. Cô cảm thấy bất nhẫn vì đứa con mà cô sinh ra không được hình thành một cách tự nhiên, mà chỉ vì ước vọng của người lớn. Hằng nói với Tùng, cô không đòi lại số tiền mà cô tạm ứng để Tùng nhận lời cho Hằng tinh trùng. Hằng cũng khuyên anh ta chớ nên tiếp tay cho việc mua bán tinh trùng quá nhiều.
Về phần Hằng, thật khó để từ bỏ ý định có con. Song, cô tự nhủ sẽ không làm bằng mọi giá nữa. “Thôi thì, trời cho sao hưởng vậy. Nếu kế hoạch sinh con vẫn không thành công thì vợ chồng tôi sẽ đi xin con nuôi”, Hằng bộc bạch.