Cuộc trùng phùng trong nước mắt sau hơn 30 năm con gái bị lừa bán sang Trung Quốc

Nguyễn Long
13/03/2023 - 15:11
Cuộc trùng phùng trong nước mắt sau hơn 30 năm con gái bị lừa bán sang Trung Quốc

Từ khi chị N. (phải) mất tích, bà Khổng Thị Lanh (trái) chưa có một ngày vui

Cuộc trùng phùng của chị Lê Thị N. (SN 1959, xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) và gia đình sau hơn 30 năm cách biệt khiến nhiều người chứng kiến không cầm được nước mắt. Lên Hà Nội tìm việc làm năm 1990, chị bị lừa bán sang Trung Quốc với cuộc sống không khác gì “địa ngục trần gian”. Phải đến khi dịch Covid-19 bùng phát, chị N. mới tìm được cách bỏ trốn ra biên giới và được công an giải cứu, đưa về quê hương.
Đi làm thuê rồi mất tích

Năm 1988, chị Lê Thị N. (SN 1959, xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) kết hôn với một người đàn ông cùng huyện nhưng mãi không có con. Cũng vì lý do này mà 2 vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Cuối cùng, vợ chồng chị N. đã đường ai nấy đi sau 2 năm gắn bó. 

Sau khi ly hôn chồng, chị N. trở về sinh sống cùng bố mẹ đẻ. Cuối năm 1990, chị N. nói với gia đình muốn đi làm thuê nhưng sau mấy tháng không thấy chị N. trở về. Gia đình đã tổ chức đi tìm kiếm chị N. khắp nơi, bố mẹ chị N. khi đó còn phải bán nhiều tài sản có giá trị để thuê người tìm kiếm chị N. "Hồi đó vợ chồng tôi phải bán cả đất để lấy tiền thuê người tìm kiếm con gái. Các ao, hồ quanh khu vực đều thuê người tìm kiếm nhưng cũng không thấy con đâu.

 Cứ thế suốt vài tháng ròng rã, nghe tin ở đâu có người chết trôi là vợ chồng tôi lại vội vàng bắt xe đến xem có phải con gái mình không. Nhưng tất cả đều không phải", bà Khổng Thị Lanh (83 tuổi), mẹ chị N., chia sẻ.

Chồng bận rộn với công việc, một mình bà Lanh tần tảo nuôi 4 đứa con. Kinh tế gia đình trở nên eo hẹp vì đã dốc hết tiền bạc để tìm con gái. Dù rất mong manh nhưng bà vẫn hy vọng con mình một ngày nào đó "nó sẽ về nhà".

Lập bàn thờ cho người còn sống

Gần 4 năm sau ngày mất tích của con gái, lúc này vợ chồng bà Lanh dù đã tìm kiếm khắp nơi nhưng thông tin về con gái vẫn chỉ là con số 0. Gia đình bà Lanh chỉ còn cách dựa vào tâm linh. Bà Lanh cho biết, năm 1996, bà được người quen chỉ đến nhà một thầy bói ở tỉnh Phú Thọ. 

Vợ chồng bà đã lên tận nơi để xem thì được người này cho biết con gái bà đã chết, xác đã không còn nguyên vẹn, không thể tìm kiếm được. Sau đó, người thầy bói còn hướng dẫn vợ chồng bà Lanh lập bàn thờ để cúng giỗ cho con gái. 

"Chẳng biết con chết vào ngày nào nên vợ chồng tôi quyết định chọn ngày con mất tích là 24/4 (âm lịch) hàng năm để cúng giỗ. Mặc dù tôi vẫn có linh cảm con còn sống nhưng nếu chẳng may con đã chết thật rồi, hàng năm không có người cúng giỗ thì phải tội quá", bà Lanh chia sẻ.

Tháng 8/2020, khi vợ chồng bà Lanh đang ăn cơm trưa thì có người hàng xóm sang báo tin: "Chị N. còn sống, chị ấy bị bán sang Trung Quốc, được công an đưa về UBND xã rồi. Ông bà vào ngay đón chị đi". Nghe được tin báo, bà Lanh mừng rơi nước mắt, không dám tin vào sự thật. Giây phút gặp lại con sau 30 năm xa cách thật nghẹn ngào. 

"Lúc mẹ con gặp nhau, tôi mãi mới nhận ra vì nó thay đổi nhiều quá. Lúc nó còn ở nhà đang là một cô gái trẻ đẹp vậy mà bây giờ nó trông như một bà lão, gầy gò, chân bị liệt, không đi lại được. Thấy con như vậy, tôi đau xót lắm", bà Lanh nói.

Đau đáu nỗi nhớ quê hương

Trở về quê hương, chị N. nói tiếng Việt khá khó khăn, lúc nhớ lúc quên. Người phụ nữ này kể, năm 1990, chị lên Hà Nội tìm việc làm, thế rồi gặp một người phụ nữ ở bến xe. Sau đó, người phụ nữ này mời chị một cốc nước. Uống xong, chị N. ngất lịm đi và khi tỉnh dậy, chị N. phát hiện mình đang ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). 

"Tôi bị nhốt trong phòng kín 3 ngày, sau đó bị bán vào làm vợ một người đàn ông hơn 40 tuổi. Cuộc sống khi đó như địa ngục, ông ta suốt ngày uống rượu rồi về đánh đập, hành hạ tôi. Nhiều lần tôi tìm cách để bỏ trốn khỏi nơi đó nhưng không được vì không biết tiếng, không biết kêu cứu với ai. Sau này, tôi đã bỏ hẳn ý định bỏ trốn, vì mỗi lần bỏ trốn bị bắt lại đều bị cả gia đình nhà chồng vây lại đánh đập", chị N. kể.

Chị N. cho biết, năm 2005, trong một lần đi uống rượu bên nhà họ hàng, trên đường về, người chồng đã bị ngã chảy máu đầu, đến khi đưa vào bệnh viện thì không qua khỏi. Dù có 15 năm chung sống nhưng hai người không có con. Cuộc sống nơi đất khách khiến chị N. luôn đau đáu nhớ quê hương, gia đình nhưng không thể về. Hàng ngày, chị chỉ ở nhà để chăm lợn, nuôi gà và nấu ăn cho gia đình chồng. Tròn 30 năm ở Trung Quốc nhưng chị N. chưa từng một lần gặp người Việt Nam nào để cầu cứu. "Đầu năm 2020, khu tôi ở bị dịch Covid-19, nhiều người phải di tản đi nơi khác để tránh dịch. Nhân cơ hội này, tôi đã bỏ trốn được. Sau hơn 3 ngày di chuyển trên ô tô, cuối cùng tôi cũng đến được biên giới. Sau đó, tôi được công an giải cứu đưa về nhà", chị N. kể.

Trở về nhà sau 30 năm biệt tích, chị N., nay ở tuổi 64, không nhận ra nhà mình nữa vì nhà cửa, làng xóm đã thay đổi quá nhiều. Nhưng người mẹ thì chị nhận ra ngay, dù mẹ đã già, răng đã rụng. Cuộc trùng phùng của mẹ con sau hàng chục năm cách biệt, tưởng chừng không thể gặp lại đã khiến nhiều người chứng kiến không cầm được nước mắt.

"Tôi không nghĩ có ngày nó còn trở về như thế này", bà Lanh nói. Chị N. ngồi bên cạnh bà Lanh, mắt rơm rớm: "Con ở bên đó cũng muốn về lắm, lúc nào cũng nhớ mẹ nhưng con sợ lắm, trốn về lần nào cũng bị họ bắt được rồi đánh". Bà Lanh nắm lấy bàn tay con gái, giọng chùng xuống: "Đừng đi nữa con nhé, ở nhà với mẹ".

Lãnh đạo xã Tam Cường (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) cho biết, hoàn cảnh của chị N. hiện rất khó khăn, không có nhà cửa, không có giấy tờ tùy thân. Hiện tại, chị N. đang sống cùng bố mẹ già và gia đình em trai. Bản thân chị N. bị tai biến nặng, cả 2 chân đều bị liệt, phải ngồi xe lăn, mất khả năng lao động.

Bà Dương Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (TƯ Hội LHPN Việt Nam), cho biết, những nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài khi trở về thường chịu nhiều tổn thất về thể chất, tinh thần. Có những trường hợp nạn nhân mất trí nhớ, mang thai ngoài ý muốn, nghiện rượu, ma túy hoặc mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục... Bên cạnh đó, sự kỳ thị, xa lánh của những người xung quanh là một trong những lý do khiến các nạn nhân bị buôn bán trở về khó tái hòa nhập cộng đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm