Cứu cụ bà 90 bị Covid-19 nguy kịch, có nhiều bệnh nền

Linh Trần
08/07/2022 - 13:27
Cứu cụ bà 90 bị Covid-19 nguy kịch, có nhiều bệnh nền

Suốt 2 tháng, các y bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu bệnh nhân

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ý thức lơ mơ, tím tái khó thở, phải thở oxy hỗ trợ, cơ thể gầy yếu, suy kiệt nặng, dương tính với Covid-19.

Ngày 8/7, Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức (BV TƯ Quân đội 108) cho biết, BV vừa cứu sống cụ bà N.M. (90 tuổi, trú tại Hà Nội) bị Covid-19, chưa tiêm vaccine và có nhiều bệnh lý nặng.

Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ý thức lơ mơ, tím tái khó thở, phải thở oxy hỗ trợ, cơ thể gầy yếu, suy kiệt nặng, dương tính với Covid-19.

Qua khai thác kỹ tiền sử cho thấy, bệnh nhân chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 và có nhiều bệnh lý nền đi kèm như bệnh động mạch vành đã đặt Stent cách đây 20 năm; suy tim, tắc mạch chi dưới bên phải, nằm tại chỗ nhiều năm, thuộc nhóm nguy cơ rất cao.

Ngay khi vào viện, mặc dù được chẩn đoán, xử trí cấp cứu theo đúng phác đồ, song bệnh tiến triển nặng lên nhanh chóng với biểu hiện viêm phổi, suy hô hấp tăng nhanh, phù thiểu dưỡng toàn thân, huyết áp xu hướng tụt đe dọa sốc nhiễm khuẩn. Xác định đây là một trường hợp có tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao khoa đã tập trung mọi nguồn lực nhằm cứu sống bệnh nhân.

Bệnh nhân đã được nhanh chóng được làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh, theo dõi đánh giá chức năng các cơ quan hàng ngày; được điều trị thuốc kháng virus, thuốc chống viêm; điều trị dự phòng huyết khối, thuốc kháng sinh chống bội nhiễm; Điều trị hồi sức hô hấp và tuần hoàn điều chỉnh các rối loạn nội môi (nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan, kiểm soát đường máu); chăm sóc và nuôi dưỡng tích cực, vật lý trị liệu hô hấp, phòng chống loét.

TS. Vũ Viết Sáng, Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức, cho biết, bệnh nhân nhập viện diễn biến bệnh nặng lên rất nhanh, đáp ứng điều trị kém. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có đợt bội nhiễm, viêm phổi do vi khuẩn đa kháng K.pneumoniae và A.baumani, có biến chứng sốc nhiễm khuẩn, nên tiên lượng càng khó khăn hơn.

Sau khi đặt ống nội khí quản thở máy xâm nhập 1 tuần, các bác sĩ đã quyết định mở khí quản để chăm sóc lâu dài. Tuy nhiên, do bệnh nhân tuổi cao, suy kiệt nặng, có nhiều bệnh lý nền, lại có thêm biến chứng sốc nhiễm khuẩn do bội nhiễm viêm phổi vi khuẩn đa kháng, các y bác gặp rất nhiều khó khăn trong việc cai thở máy cho bệnh nhân. Mặc dù sau khi bệnh nhân đã thoát sốc, viêm phổi ổn định, cắt thuốc an thần sớm, kết hợp vật lý trị liệu hô hấp, nuôi dưỡng nâng đỡ cơ thể tích cực, nhưng do sức thở yếu, nên sau hơn 2 tháng mới cai thở máy thành công, bác sĩ Sáng thông tin.

Sau hơn 2 tháng kiên trì điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo hơn, tiếp xúc được, bỏ được máy thở, có thể tự thở qua lỗ mở khí quản, tuy nhiên các phản xạ còn yếu. Hiện sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, các chỉ số đã ổn định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm