Cứu nữ bệnh nhân bị khối u máu ở thanh quản hiếm gặp

Đông Quân
31/07/2022 - 18:00
Nữ bệnh nhân 40 tuổi người Campuchia bị khối u máu chiếm trọn thanh quản hiếm gặp được các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TPHCM) phẫu thuật thành công, loại bỏ nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào nếu u vỡ.

Cách đây khoảng 2 tháng, chị A. xuất hiện cảm giác vướng khó tả ở cổ họng hay bị nghẹn thức ăn. Chủ quan cho rằng đó chỉ là dấu hiệu khó tiêu và đau dạ dày gây nên người bệnh chần chờ việc thăm khám mà tự mua thuốc về uống.

Khi triệu chứng nuốt vướng ngày càng tăng, người bệnh đi thăm khám ở một số bệnh viện tại Campuchia và được phát hiện một khối u máu ở thanh quản chèn ép gần hoàn toàn thanh quản.

Người bệnh được người thân đưa đi thăm khám tại nhiều bệnh viện lớn trong nước nhưng đều nhận lại những cái lắc đầu từ chối. Bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm khiến người bệnh ngày càng lo lắng, không ăn uống được.

Được các bác sĩ tại Campuchia giới thiệu, người bệnh cùng gia đình tìm đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TPHCM). Tại đây, qua thăm khám nội soi và đánh giá trên hình ảnh MRI, các bác sĩ phát hiện một khối u máu lớn chiếm gần toàn bộ thanh quản. Được biết trước đó người bệnh đã thay van tim cách đây 2 năm và đang sử dụng thuốc kháng đông máu thường xuyên.

Sau khi hội chẩn và chuẩn bị kĩ lượng các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật sớm lấy bỏ khối u tránh nguy cơ khối u máu vỡ khiến tình trạng người bệnh nguy kịch không thể điều trị được.

Bác sĩ đánh giá, đây là một trường hợp hiếm gặp và tiên lượng cuộc phẫu thuật rất phức tạp, người bệnh có thể tử vong trong lúc mổ nếu có bất kỳ một sai sót nào.

Cứu nữ bệnh nhân bị khối u máu ở thanh quản hiếm gặp - Ảnh 1.

Hình ảnh trước và sau khi phẫu thuật cho bệnh nhân

ThS.BS.CKII Nguyễn Trương Khương, Giám đốc chuyên môn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, có 3 vấn đề đặc biệt đặt ra cho ca phẫu thuật này: Thứ nhất cần mở khí quản khéo léo, không gây co thắt thanh khí quản vì nếu xảy ra cũng không đặt nội khí quản được. Thứ 2 cần những dụng cụ phù hợp giúp bộc lộ và thao tác chính xác trong quá trình phẫu thuật. Thứ 3 tuyệt đối không làm chảy máu vì khi chảy máu sẽ không phẫu thuật được và người bệnh sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch do sẽ cực kỳ khó cầm máu.

Thời gian phẫu thuật kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, ThS.BS.CKII Nguyễn Trương Khương đã nhanh chóng bộc lộ khối u máu, thực hiện đốt, cắt và lấy trọn khối u thành công qua nội soi. Người bệnh hồi phục sau mổ tốt, nuốt được, hết đau họng, nói được, không gặp biến chứng gì và xuất viện sau 5 ngày phẫu thuật.

Chia sẻ thêm về trường hợp này, bác sĩ Khương cho biết, các bác sĩ xác định ngay từ đầu, đây là một trường hợp hiếm gặp, khó, không phải là một phẫu thuật chuẩn, trong y văn đề cập rất ít, người bệnh có thể tử vong trong lúc mổ nếu có bất kỳ sai sót.

"Chúng tôi đã tiến hành công tác chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Trong đó các vấn đề được đặt ra là đổi thuốc chống đông máu, dự trù máu trong phẫu thuật, dự trù mở màng giáp nhẫn cấp cứu nếu mở khí quản làm co thắt thanh khí quản, đặc biệt hạn chế tối đa chảy máu trong lúc mổ, nếu có chảy máu cần sử dụng các dụng cụ vừa hút, cũng như sẵn sàng phương án cột thắt các mạch máu chính ở vùng cổ. Bên cạnh đó việc sắp xếp và làm rõ vai trò của từng cá nhân trong ê-kíp khi có sự cố xảy ra để cuộc phẫu thuật diễn ra trong sự phối hợp nhịp nhàng đã góp phần làm nên thành công của ca phẫu thuật", bác sĩ Khương chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm