Cứu sống sản phụ bị nhau cài răng lược hiếm gặp

01/06/2018 - 15:53
Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ vừa phẫu thuật thành công trường hợp nhau tiền đạo trung tâm cài răng lược hiếm gặp, cứu sống cả mẹ và con.
Ngày 31/5, sản phụ Huỳnh Thị Mỹ S. (43 tuổi, ngụ tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) nhập Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ với chẩn đoán con lần 3, thai 35 tuần 5 ngày, ngôi đầu, nhau tiền đạo trung tâm, nhau cài răng lược, PARA 2012.
 
Trong quá trình khám lâm sàng và một số cận lâm sàng chuyên sâu, các bác sĩ đã phát hiện nhau tiền đạo trung tâm cài răng lược. Các bác sĩ xác định, ca bệnh nằm trong nhóm nguy cơ cao cho cả mẹ và con do sản phụ lớn tuổi có tiền sử nạo hút thai, thai non tháng, vị trí nhau tiền đạo trung tâm, bánh nhau xuyên cơ tử cung và rất sát bàng quang.
 
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định xử trí phẫu thuật lấy thai với sự phối hợp sẵn sàng của các bác sĩ chuyên khoa gồm Sản khoa, Gây mê hồi sức, Huyết học truyền máu, Sơ sinh… để có kế hoạch can thiệp một cách nhanh chóng, tích cực với đầy đủ phương tiện hồi sức mẹ, sơ sinh và ngân hàng máu.
 
Ê kíp bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cứu sống sản phụ

 

Trong quá trình phẫu thuật, do vị trí nhau bám ở đoạn dưới cổ tử cung xâm lấn đến vùng bàng quàng nơi có nhiều mạch máu tăng sinh phức tạp, êkíp phẫu thuật quyết định cắt tử cung cùng sự phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ gây mê hồi sức kiểm soát tình trạng chảy máu và truyền 4 đơn vị hồng cầu, 2 đơn vị huyết tương để ổn định tình trạng huyết động học cho sản phụ S.
 
Ca phẫu thuật thành công sau 3 giờ thực hiện. Bé gái chào đời nặng 2,8 kg, bé được chăm sóc và theo dõi tiếp tại khoa Sơ sinh. Sản phụ S. cũng đã qua được cơn nguy kịch. Hiện tại, chị có dấu hiệu phục hồi và vẫn đang được theo dõi tại khoa Phẫu thuật Gây mê - Hồi sức Tích cực - Chống độc.
 
BS CKI. Vũ Đăng Khoa, Trưởng khoa Sản bệnh – Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ cho biết, nhau cài răng lược là tình trạng bánh nhau bám chặt bất thường vào lớp cơ tử cung của thai phụ. Tùy vào mức độ xâm lấn của bánh nhau mà chia làm 3 mức độ: mức độ nhẹ là nhau bám chặt và xâm lấn một phần cơ tử cung; mức độ trung bình là nhau xâm lấn sâu vào cơ tử cung nhưng chưa qua khỏi lớp thanh mạc tử cung; mức độ nặng là tình trạng bánh nhau xuyên qua khỏi lớp thanh mạc tử cung và xâm lấn đến những cơ quan lân cận như bàng quang và ruột.
 
Các điều dưỡng viên phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ Gây mê hồi sức kiểm soát
tình trạng chảy máu và ổn định tình trạng huyết động học cho sản phụ.

 

Đây là một thai kỳ nguy cơ cao cho cả mẹ và con do thai non tháng và xuất huyết nhiều trong lúc sanh. Việc chẩn đoán và xử trí cần phải thận trọng, phẫu thuật chỉ nên thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa có đủ điều kiện, cùng với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa và cần có các phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm.
 
Theo bác sĩ Khoa, bệnh lý này thường gặp ở các trường hợp bệnh nhân có tiền sử mổ lấy thai hay nạo hút thai nhiều lần. Tỉ lệ nhau cài răng lược tăng theo số lần mổ lấy thai. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ, phụ nữ cần chủ động trong kế hoạch hóa gia đình, tránh nạo hút thai và không lạm dụng mổ lấy thai để tránh nguy cơ gây nhau cài răng lược cho những thai kỳ sau.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm