Cựu tù Côn Đảo "gom lửa" cho thanh niên qua những ca khúc Cách mạng

Minh Tuấn
28/04/2023 - 16:00
Cựu tù Côn Đảo "gom lửa" cho thanh niên qua những ca khúc Cách mạng

Ông Trần Văn Nhiệm (trái) hào hứng kể lại chuyện xưa trong chuyến về thăm lại Côn Đảo

Ở tuổi 87, cựu tù Côn Đảo Trần Văn Nhiệm vẫn luôn hào hứng, linh hoạt hẳn khi nhắc đến chuyến vượt ngục ly kỳ ngày xưa. Gần đây có thêm câu chuyện khiến ông say sưa chia sẻ, đó là công trình sách “Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam” - một việc được ông ví như “gom lửa” để trao truyền cho thế hệ trẻ.

Vượt ngục, tâm tư giờ mới kể

Chuyện  vượt ngục Côn đảo cùng 2 bạn tù là Bừng và Mừng đã được ông Trần Văn Nhiệm (Ba Nhiệm) kể hàng trăm lần nhưng chi tiết ở đoạn cuối của chuyến vượt ngục ly kỳ thì mãi nhiều năm sau ngày thống nhất đất nước, ông mới nhắc tới. Đến tận hôm nay thì ông nói rõ hơn tâm tư, tình cảm của mình lúc bấy giờ, đó là khoảng thời gian mà khi vượt ngục thành công, vừa tìm đến được căn cứ Cách mạng trong rừng ở Năm Căn, Cà Mau.

Ông Nhiệm kể lại: "Khi được người dân đưa đến địa điểm để gặp cán bộ của ta ở căn cứ ra đón thì tôi mừng lắm nhưng bất ngờ nghe tiếng hô: "Tất cả đứng yên, giơ tay hết ra sau lưng". Sau đó đều bị bịt mắt, còng chân, cho nằm trên xuồng máy đưa về căn cứ. Về đến nơi thì lập tức được cho vào chỗ giam giữ chung với vài người lạ. Sau mới biết đó là thành phần mật thám, chỉ điểm của địch. Tiếp theo là liên tục bị mang ra chất vấn về cuộc vượt ngục, vì tôi là người đứng đầu".

6 ngày sau thì ông Nhiệm mới được cho ra ngủ cùng với chiến sĩ gác trại giam nhưng vẫn bị giám sát chặt chẽ. Ông lưu lại căn cứ này một thời gian, cùng 2 bạn vượt ngục được phân công làm anh nuôi cho đơn vị, rồi sau đó được trở về đơn vị ở Sài Gòn, tiếp tục hoạt động Cách mạng.

Sở dĩ ông Trần Văn Nhiệm và 2 bạn tù bị đối xử như địch là vì bị hiểu lầm họ là biệt kích do tàu địch thả lên. Thế nên dù ông Nhiệm có tường trình rõ chi tiết vượt ngục cũng như cơ sở và chỉ huy mình ở Sài Gòn, họ vẫn không tin. Kể  từ khi chiếc xuồng nan của ông Nhiệm chạm đất liền, rồi 3 người đi tìm người dân như thế nào, đều được theo sát bởi du kích. Họ thấy rằng sau khi tàu lớn của địch rời đi thì xuất hiện xuồng nan của ông Nhiệm trôi vào bờ. Tuy nhiên, đó là sự hiểu lầm, do lúc ấy tàu địch và xuồng nan cùng trên một trục thẳng và với tầm nhìn khá xa thì trông như ông vừa được thả xuống từ tàu lớn. Hơn nữa trên xuồng nan còn có xuồng phao (ông lấy của cai ngục Côn Đảo) được cho là loại xuồng của biệt kích dùng. Sau này, trong thời gian thẩm tra, họ thực nghiệm lại thì mới thấy đã nhận định nhầm.

Ông Nhiệm kể, những ngày đầu chưa được xác minh đúng, ông rất buồn và tâm tư vì đang bị đối xử như kẻ thù địch. Trong suy nghĩ luôn bị giằng xé giữa cái sống, cái chết, nỗi nhục và lòng tự hào… Nhưng trên hết là sự kiên định với Cách mạng, khát vọng hòa bình đã giúp ông dằn nén những cảm xúc vụn vặt. Đặc biệt là ông nói vẫn phải giữ khí chất Cách mạng vì lúc đó ông đã là Đảng viên, cần làm gương và để động viên 2 người cùng vượt ngục. Họ là Đoàn viên, còn trẻ nên có phần lo âu, mất tinh thần nhiều hơn. Một mặt, ông vẫn luôn tự trấn an rằng những cán bộ phải làm vậy cũng chỉ để bảo vệ bí mật căn cứ, bảo vệ Cách mạng.

"Gom lửa" cho thế hệ trẻ hôm nay

Trong chuyến về thăm lại Côn Đảo mới đây, ông Trần Văn Nhiệm đã tặng cho Huyện Đoàn cuốn sách "Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam". Đây là công trình 800 trang sách mà  ông kỳ công sắp xếp rất nhiều ca khúc truyền thống xuyên suốt theo chiều dài lịch sử Cách mạng. Bên cạnh lồng ghép vào bối cảnh lịch sử, bình luận cảm xúc, ca từ thì nhiều thông tin bên lề của bài hát được ông cóp nhặt đưa vào. Những cột mốc lịch sử Cách mạng được trình bày một cách tự nhiên và lôi cuốn, nhất là những người có tâm hồn âm nhạc, quý trọng những ca khúc Cách mạng.

Vốn trưởng thành từ phong trào học sinh, sinh viên nên ông Trần Văn Nhiệm hiểu rõ giá trị của những ca khúc truyền thống Cách mạng, nó chính là vũ khí sắc bén dành cho thanh niên trong hiệu triệu và đấu tranh. Ông nói: "Với tôi, ca khúc Cách mạng là thứ tài sản riêng của dân tộc, của chính nghĩa, của hàng triệu trái tim con người Việt Nam khao khát hòa bình, tự do và hạnh phúc".

Vì vậy ý tưởng "gom lửa" này đã có từ ngay sau đất nước thống nhất nhưng bận rộn với công việc mà ông chưa thể hiện thực. Sau khi nghỉ hưu ở vị trí Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, ông lại nghĩ về điều ấp ủ này và quyết tâm chấp bút vào năm 2016, một mình cặm cụi thực hiện suốt 4 năm để sách ra đời năm 2020. Khó ai ngờ một người cán bộ hưu trí ngoài tuổi 80 còn có thể đầy nhiệt huyết và nhẫn nại để thực hiện một công trình nhiều ý nghĩa như vậy. 

Song, ông chỉ tâm niệm đơn giản là: "Tôi muốn người trẻ ngày nay hiểu hết được tình cảm, tâm lý và tinh thần yêu nước của tuổi trẻ thế hệ trước, của một thời hoa và lửa gắn chặt trong từ ca từ, giai điệu những bản nhạc truyền thống Cách mạng. Tôi lo mình không còn có thể hiện thực điều ấp ủ bấy lâu nên phải quyết tâm làm dù khó khăn".

Được biết, sắp tới tác giả Trần Văn Nhiệm sẽ tái bản sách "Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam" này và bổ sung những ca khúc nhắc đến cột mốc lịch sử của Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm