Đà Nẵng: 5 kiến nghị đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 21 về công tác phụ nữ

PVH (thực hiện)
29/09/2023 - 11:51
Đà Nẵng: 5 kiến nghị đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 21 về công tác phụ nữ

Ông Lê Văn Trung, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh PVH

Ông Lê Văn Trung, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng, cho biết, trong những năm qua, nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy được nâng cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, toàn diện đối với tổ chức và hoạt động của các cấp Hội phụ nữ và công tác phụ nữ trên địa bàn.

- Là thành phố lớn trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên, ông có thể cho biết những thuận lợi cũng như khó khăn của Đà Nẵng trong triển khai Chỉ thị 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới?

- Ông Lê Văn Trung: Những năm qua, Đà Nẵng triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Song Ban Thường vụ Thành uỷ đã luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí của phụ nữ, về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. 

Đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, toàn diện đối với tổ chức và hoạt động của các cấp Hội phụ nữ và công tác phụ nữ. Chỉ đạo, kịp thời cụ thể hóa Chỉ thị 21-CT/TW bằng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai trong hệ thống chính trị, phát huy vai trò Hội LHPN các cấp trong thực hiện công tác phụ nữ phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương cụ thể.

Xác định công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ nữ là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong quy hoạch cấp ủy các cấp và lãnh đạo chủ chốt tại các địa phương, đơn vị đã mạnh dạn đưa cán bộ nữ trong diện quy hoạch vào kế hoạch luân chuyển và bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý. Chú trọng phân công, bố trí công tác hợp lý để cán bộ nữ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành.

Để chỉ đạo, triển khai tốt nhiệm vụ này, Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 20/10/2021 về "Tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ giữ các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đến năm 2025 và những năm tiếp theo". Qua đó, số lượng, tỷ lệ cán bộ nữ đảm nhiệm các chức danh hoặc được quy hoạch vào các chức danh diện Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý tăng qua các năm; hoàn thành vượt chỉ tiêu cán bộ nữ tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng về chính trị và chuyên môn nghiệp vụ.

Nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố Đà Nẵng có 21,56% cán bộ nữ tham gia Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXII;

Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ ở cả 3 cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước; Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 16,67%; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt 21,15%...

Cùng với đó, chỉ đạo, tiến hành rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích tài năng nữ, quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ nông thôn, dân tộc thiểu số, nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương.

Các cấp ủy tạo môi trường, điều kiện và phát huy vai trò nòng cốt của Hội LHPN trong tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị số 21-CT/TW, phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai nhiều nội dung liên quan; ký kết Chương trình phối hợp với các ngành thực hiện công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em…

- Sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 21-CT/TW, thành phố Đà Nẵng đã đạt những kết quả cụ thể như nào, và còn những hạn chế gì cần khắc phục, thưa ông?

Ông Lê Văn Trung: Sau 05 năm triển khai, có thể thấy nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị, của cộng đồng và bản thân người phụ nữ về vai trò, vị trí của phụ nữ và công tác phụ nữ trong tình hình mới có nhiều chuyển biến tích cực. Các phong trào phụ nữ và hoạt động của các cấp Hội trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ tham gia, đem lại hiệu quả thiết thực; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên.

Tuy nhiên, còn những khó khăn, vướng mắc như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một vài cấp ủy đối với việc quán triệt, triển khai, kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện Chỉ thị chưa thật quyết liệt; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc chưa chặt chẽ; những khó khăn, vướng mắc về chế độ phụ cấp dành cho Phó Chủ tịch Hội tại phường, xã khi thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ vẫn chưa được quan tâm điều chỉnh phù hợp với tình hình hiện nay.

Việc chỉ đạo phát hiện, tạo nguồn, bồi dưỡng hội viên ưu tú tại khu dân cư để kết nạp Đảng còn hạn chế. Chính sách về bình đẳng giới, chính sách đặc thù đối với phụ nữ trên nhiêu lĩnh vực chưa được tích cực nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện…

Đà Nẵng: 5 kiến nghị đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 21 về công tác phụ nữ - Ảnh 2.

Phong trào dân vũ của hội viên, phụ nữ thành phố Đà Nẵng. Ảnh PVH

- Tiếp tục triển khai nhiệm vụ về công tác cán bộ nữ, ông có đề xuất, kiến nghị gì?

- Ông Lê Văn Trung: Để phụ nữ thực hiện tốt vai trò, thành phố Đà Nẵng tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, các cấp uỷ, đặc biệt là người đứng đầu cần tiếp tục chỉ đạo phổ biến, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ. Chú trọng công tác quy hoạch cán bộ nữ, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để chủ động về nguồn nhân sự giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý. Đối với thành phố Đà Nẵng, tiếp tục thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 20/10/2021 của Ban Thường vụ Thành uỷ về "Tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ giữ các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đến năm 2025 và những năm tiếp theo".

Thứ 2, đẩy mạnh bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý; nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân về giới và bình đẳng giới; tạo sự đồng thuận, thống nhất của tập thể trong thực hiện công tác cán bộ nữ; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, động viên cán bộ nữ phát huy tinh thần tự lực tự cường, chủ động, sáng tạo, thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới".

Thứ 3, tiếp tục đề xuất, hoàn thiện cơ chế, chính sách và thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân về yêu cầu, nhiệm vụ của Chỉ thị số 21-CT/TW.

Thứ 4, chỉ đạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hình thức tập hợp gắn với các vấn đề thiết thân của phụ nữ; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; chủ động đề xuất, đảm nhiệm một số nhiệm vụ trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội, tạo nguồn cán bộ nữ cho hệ thống chính trị. Tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới.

Thứ 5, nghiên cứu, xây dựng, nhân rộng  cách làm hay, sáng tạo, thiết thực trong phong trào thi đua, các cuộc vận động…

Cùng với đó, thành phố Đà Nẵng xin đề xuất: Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện, định kỳ tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá thực tế gắn với khen thưởng, biểu dương những địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TW và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ.

Đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tăng cường chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 28/NQ-CP, ngày 03/3/2021 của Chính phủ về Ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030.

Quan tâm Ban hành các đề án, chương trình nhằm huy động các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới; nâng cao tình thần trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm