Đà Nẵng: Đa dạng cách bảo vệ quyền cho trẻ em một cách an toàn nhất

Hải Linh
20/12/2022 - 22:30
Đà Nẵng: Đa dạng cách bảo vệ quyền cho trẻ em một cách an toàn nhất

Hội Từ thiện và Bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố Đà Nẵng trao quà cho trẻ em thiệt thòi ở địa phương

Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Đà Nẵng đề ra mục tiêu “Giúp đỡ hộ nghèo vượt khó và chung tay bảo vệ quyền trẻ em” trong năm 2022. Đây cũng chính là bí quyết để Hội thành công và là một trong những địa phương đi đầu trong công tác bảo vệ quyền trẻ em tại địa phương.

Đa dạng các loại tội phạm xâm hại trẻ em

Theo thống kê của Hội Từ thiện và Bảo vệ Quyền trẻ em TP Đà Nẵng, từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã phát hiện 86 vụ/146 đối tượng xâm hại trẻ em, với 88 trẻ em. Trong số trẻ em bị xâm hại, có 6 em bị xâm hại có độ tuổi dưới 6 tuổi, 28 em trong độ tuổi từ 6 tuổi đến dưới 13 tuổi và 54 em trong độ tuổi từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Riêng 6 tháng đầu năm 2022, có tới 17 vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố (trong đó 13 vụ xâm hại tình dục, 4 vụ bạo lực) gấp đôi so với 2021.

Các loại tội phạm xâm hại trẻ em khá đa dạng, nhưng tập trung chủ yếu vẫn là nhóm tội xâm hại tình dục trẻ em chiếm đến 76,7% (trong đó, hiếp dâm trẻ em có 22 vụ; "giao cấu với trẻ em" là 30 vụ; dâm ô trẻ em là 13 vụ; sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm có 1 vụ). Bên cạnh đó, nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe chiếm 15,1% (trong đó, giết trẻ em có 1 vụ; cố ý gây thương tích là 11 vụ).

Đà Nẵng: Đa dạng cách bảo vệ quyền cho trẻ em một cách an toàn nhất - Ảnh 1.

Chăm sóc và bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Ảnh minh hoạ

Nhóm các tội xâm phạm về tài sản chiếm 4,7% (trong đó, cưỡng đoạt tài sản: 01 vụ; cướp giật tài sản: 01 vụ; trộm cắp tài sản: 02 vụ) và các tội khác chiếm 3,5%.

Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Đà Nẵng cho biết:  "Các trẻ em bị xâm hại đều bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần và sự phát triển trí tuệ, có trường hợp trẻ em bị xâm hại nhiều lần, trong thời gian dài và dẫn đến mang thai, sinh con".

Hơn nữa, hành vi xâm hại trẻ em còn gây tác động nghiêm trọng đối với xã hội, tạo tâm lý hoang mang cho các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ và ảnh hưởng đến tương lai của đất nước. Điều đó cho thấy một thực tế rằng, công tác truyền thông phòng chống xâm hại và bảo vệ quyền trẻ em còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh như hiện nay.

Nhiều hình thức, hoạt động tuyên truyền, chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em

Theo Bà Lê Thị Tám, từ đầu năm 2022, các cấp Hội từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Đà Nẵng đã tiếp nhận và trực tiếp giải quyết 16 đơn thư, vụ việc về vi phạm quyền trẻ em (mất tích, tranh chấp quyền nuôi con, bạo hành, xâm hại, bỏ rơi, làm giấy khai sinh,...).

Sau khi tiếp nhận đơn thư, các cán bộ hội đã thu thập thông tin, trực tiếp xác nhận thông tin và hỗ trợ, cứu trợ, nhận chăm sóc ban đầu các em bị bỏ rơi, tư vấn phục hồi tâm lý cho các em bị xâm hại, bạo lực và phối hợp cùng các cơ quan chức năng tham gia giải quyết theo quy định. Đến nay, đã can thiệp và hỗ trợ giải quyết được 16 vụ có kết quả. Ngoài ra, các cấp Hội giám sát và vận động 11 em bỏ học trở lại lớp (ở Quận Ngũ Hành Sơn).

Đà Nẵng: Đa dạng cách bảo vệ quyền cho trẻ em một cách an toàn nhất - Ảnh 2.

Một mô hình thu gom rác thải nhựa của Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em xã Hoà Phước để gây quỹ Hội giúp đỡ trẻ em thiệt thòi

Đồng thời, cán bộ Hội với vai trò là Hội thẩm nhân dân đã tham gia xét xử 53 vụ có liên quan đến trẻ em (Hội thẩm Thành hội tham gia: 6 vụ, Hải Châu: 20 vụ, Thanh Khê: 27 vụ) các vụ việc hội thẩm tham gia có liên quan đến quyền lợi trẻ em như hôn nhân gia đình, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là nạn nhân trong các vụ án,... Qua đó các quyền của trẻ em luôn được đảm bảo và thực hiện đầy đủ tại phiên tòa, đúng quy định của pháp luật.

Năm 2022, Hội tiếp tục duy trì mối quan hệ tài trợ bền vững với các tổ chức phi chính phủ để triển khai các dự án hiện có như: dự án "Hỗ trợ giáo dục cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại thành phố Đà Nẵng" do Tổ chức Siloam tài trợ với số tiền 221.534.010đ. Tổ chức Orphan Voice tài trợ dự án "Phòng chống xâm hại trẻ em" với số tiền 303.904.746đ. Chương trình " Vì ngày mai tươi sáng" do Tổ chức Trẻ em Việt Nam tài trợ với số tiền 270.000.000đ.

Đặc biệt, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em", Hội Từ thiện và Bảo vệ Quyền trẻ em phối hợp với Thành Đoàn tổ chức chương trình Ngày hội tuổi thơ lần thứ 4 năm 2022, với chủ đề "Điều em muốn nói" tại Thành Đoàn Đà Nẵng với 300 trẻ em của 7 quận, huyện và Trung tâm Từ thiện Hội tham gia.

Tại ngày Hội, các em được tham gia nhiều hoạt động sôi nổi như; thi hội trại, vẽ tranh về tình yêu quê hương biển đảo, thi viết thư gửi cho người lớn, thi rung chuông vàng, thi tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em, nhảy dân vũ, các trò chơi teambuiding…

Đồng thời, Hội Từ thiện và Bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố trao 100 suất học bổng mỗi xuất 1 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 300 suất quà, mỗi suất trị giá 150.000đ cho các em tham gia, trao 200 suất quà, mỗi suất 150.000đ cho trẻ em tham gia lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em do UBND thành phố tổ chức.

Đà Nẵng: Đa dạng cách bảo vệ quyền cho trẻ em một cách an toàn nhất - Ảnh 3.

Hội Từ thiện và Bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố trao 100 xuất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Năm 2022, mặc dù dịch Covid – 19 đã được kiểm soát, nhưng hậu quả của nó vẫn ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, nhất là đối với các doanh nghiệp nên việc vận động nguồn lực của các cấp hội vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, của Thành Ủy, sự tạo điều kiện hỗ trợ của HĐND, UBND thành phố và sự nhiệt tình, tâm huyết của cán bộ hội các cấp, chương trình sinh kế đã giúp nhiều hộ gia đình mở rộng kinh doanh, sản xuất làm ăn hiệu quả. Qua đó, lồng ghép được các hoạt động truyền thông phòng chống xâm hại trẻ em, trao học bổng, trao hỗ trợ cho trẻ mồ côi, tổ chức các hoạt đông vui chơi. Từ đó, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể trong việc phối hợp tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền an toàn cho trẻ em.

"Trong năm tới, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em các cấp sẽ thực hiện phong trào thi đua mới với chủ đề "Giúp đỡ hộ nghèo vượt khó và bảo vệ quyền trẻ em" gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào dân vận khéo "Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh" nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình 5 không, 3 có, 4 an mới của thành phố" bà Lê Thị Tám cho biết thêm.

Đồng thời, Hội sẽ tích cực phối hợp với Đài PTTH thành phố, Báo Công an, Báo Đà Nẵng… để xây dựng các phóng sự, đưa tin tuyên truyền phản ảnh kịp thời các hoạt động của Hội. Đặc biệt là trong công tác bảo vệ quyền trẻ em, nhằm phản ánh kịp thời những chủ trương, chính sách có liên quan đến trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của từng gia đình và toàn xã hội. Bên cạnh đó, Hội sẽ triển khai thực hiện phiên tòa giả định trong trường học, để đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật rộng rãi đến trẻ em và người dân, tất cả để bảo vệ quyền lợi của trẻ em một cách an toàn nhất.

* Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm