pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đặc điểm khiến sốt xuất huyết cần đặc biệt lưu ý so với bệnh sốt thông thường
Theo Bộ Y tế, hiện nay dịch sốt xuất huyết Dengue đang có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 89.120 trường hợp mắc, 34 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (35.936/9) số mắc tăng 148%, tử vong tăng 25 trường hợp.
Như vậy có thể thấy việc phân biệt sốt xuất huyết với các loại bệnh sốt thông thường là đặc biệt quan trọng.
Mới đây trong chuyên đề Chuyện khó có Bác sĩ, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, PGS.TS Trần Đắc Phu đã có những chia sẻ liên quan tới đặc điểm của sốt xuất huyết cần đặc biệt lưu ý với bệnh sốt thông thường khác.
1. Đặc trưng của các nốt phát ban và không có đặc điểm liên quan tới đường hô hấp
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết: "Sau thời gian ủ bệnh thì thường xuất hiện phát ban. Nhưng trong sốt xuất huyết phát ban thường mịn, không nổi lên như phát ban do dị ứng".
Ngoài ra, ông cũng cho biết, sốt xuất huyết khác với các loại sốt thông thường khác là bệnh có thể gây ra chảy máu chân răng hay phụ tạng. Đặc biệt, ông nhấn mạnh rằng: "Sốt xuất huyết gây ra mệt mỏi, đau cơ, đau người rất ghê gớm".
Trong khi đó các bệnh sốt thông thường gây ho, viêm họng,... nhìn chung là các triệu chứng tại đường hô hấp.
PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết: "Điều quan trọng là cần làm chẩn đoán bằng các biện pháp xét nghiệm thì mới có thể khẳng định là bệnh gì do các triệu chứng ban đầu thường nhẹ, không bộc lộ ngay".
2. Triệu chứng cảnh báo bệnh sốt xuất huyết trở nặng cần phải nhập viện là gì?
Sau thời kì sốt khoảng 3 - 5 ngày thì sốt xuất huyết dễ xuất hiện các triệu chứng chuyển nặng mặc dù sốt đã giảm đi nên cần đặc biệt chú ý. Các triệu chứng cảnh báo sốt xuất huyết trở nặng là gì?
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu thì người bệnh sốt xuất huyết sau khoảng 3 - 5 ngày nếu xuất hiện các dấu hiệu sau thì cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để được can thiệp sớm:
- Người mệt mỏi hơn nhiều, lừ đừ, li bì
- Khi chẩn đoán bằng các biện pháp kỹ thuật phát hiện bị giảm tiểu cầu, cô đặc máu, thoát huyết tương, sốc,...
- Chảy máu ồ ạt như chảy máu chân răng, xuất huyết dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa, phụ nữ bị rong kinh,...
Ông cũng nhấn mạnh: "Không nên thấy sau 2 đến 3 ngày mà nhiệt độ cơ thể giảm đi (hạ sốt) mà chủ quan". Sau 1 tuần, nếu như không có các biến chứng kể nặng kể trên thì có nghĩa là bạn đã hồi phục".
Hay nói cách khác, các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào ngày 3-5 sau khi khởi phát bệnh do tình trạng tăng tính thấm thành mạch và sụt giảm tiểu cầu.
Trong giai đoạn này các triệu chứng của bệnh như sốt, nhức mỏi cơ thể,... có thể dần thuyên giảm hoặc thậm chí biến mất. Chính sự thuyên giảm của các triệu chứng này khiến người bệnh hoặc người chăm sóc ngộ nhận rằng bệnh nhân đã khỏi sốt xuất huyết.
Nhưng trên thực tế đây mới chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Người mắc sốt xuất huyết hoàn toàn có thể gặp phải các biến chứng có thể đe dọa tới tính mạng như chảy máu, suy tạng do suy giảm thể tích máu, sốc sốt xuất huyết,... ở giai đoạn này. Đây cũng là lý giải vấn đề tại sao người bệnh sốt xuất huyết khỏe rồi tử v.ong.
Mới đây Bộ Y tế cũng có hướng dẫn về việc Phân biệt Bệnh sốt xuất huyết và COVID-19.
3. Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà cần lưu ý gì?
Cụ thể hơn, khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà cần chú ý các vấn đề sau đây:
- Thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của người bệnh
- Dùng khăn ấm lau cơ thể để hạ sốt và giúp người bệnh dễ chịu hơn. Chú ý đắp khăn ở vùng nách và bẹn khi sốt cao. Tuyệt đối không sử dụng Ibprofen hay Aspirin để hạ sốt vì các loại thuốc này có thể gây xuất huyết tiêu hóa.
Nếu bị sốt, cho bệnh nhân sử dụng paracetamol theo liều khuyến cáo của nhà sản xuất, cách 4 - 6 tiếng uống lại một lần nếu sốt tiếp.
- Mặc quần áo thoáng mát, mỏng
- Uống nhiều nước, đặc biệt là các loại nước giúp bù điện giải khi sốt như oresol, nước cam, nước dừa, nước bưởi, chanh,...
- Về dinh dưỡng, cần chú ý cho người bệnh ăn các thức ăn có chứa nhiều đạm và vitamin như thịt, sữa, trứng, cá,.. Nếu người bệnh chán ăn, hãy chia nhỏ thành các bữa. Lưu ý không cho người bệnh ăn đồ chiên rán nhiều dầu mỡ.
- Khi có các dấu hiệu bệnh tiến triển nặng như nôn mửa nhiều, đau bụng dữ dội, nôn ra máu, đi ngoài có lẫn máu, phân đen, xuất huyết như chảy máu mũi, chảy máu chân răng,... cần nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất.
Tóm lại, dưới sự gia tăng của sốt xuất huyết thì việc nắm vững các đặc trưng của bệnh, các dấu hiệu chuyển nặng hay dấu hiệu phục hồi cùng cách chăm sóc phù hợp đóng vai trò quan trọng tương tự như các biện pháp phòng chống bệnh như phun thuốc muỗi, loại bỏ các nơi sinh sản của muỗi,...