pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đặc sắc chợ phiên ở cao nguyên đá
Chợ phiên tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
Không cố định như chợ ở miền xuôi, để có cơ hội gặp nhau nhiều hơn, người Mông có chợ tiến và chợ lùi. Thời gian họp chợ được tính theo con giáp. Chẳng hạn ở huyện Đồng Văn, chợ được họp vào ngày Dần thì ở xã bên cạnh, chợ sẽ được tổ chức lùi một ngày, vào ngày Mão.
Điều này là để người Mông vừa có thể tham gia chợ xã mình, lại có thể tham gia chợ xã bạn, vì thế họ được gặp nhau nhiều hơn và cũng được vui hơn. Chợ thường họp từ lúc sớm tinh mơ, lúc mặt người còn chưa tỏ, mây mù vẫn giăng khắp núi.
Những cô gái Mông thường chọn cho mình bộ váy áo đẹp nhất, chải tóc gọn gàng để đi chơi chợ. Chị Giàng Thị Sú (ở xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc) chia sẻ niềm vui vào mỗi buổi chợ phiên: "Mình mặc bộ váy đẹp nhất để xuống chợ, mình bán gà xong rồi, đang chờ gặp bạn, từ ngày đi lấy chồng, ít được gặp nhau, nhiều chuyện để kể lắm".
Cũng từ những phiên chợ, qua tiếng khèn da diết gọi mời, nhiều chàng trai, cô gái đã tìm đến nhau, rồi khắc khoải, chờ đợi những phiên chợ sau để gặp gỡ, hẹn hò, rồi nên vợ nên chồng sau đó.
Chợ phiên Hà Giang không chỉ có người Mông mà còn có cả những du khách phương xa. Họ đến để được trải nghiệm những nét đặc sắc của phiên chợ vùng cao, để ăn thử bát thắng cố, nhấp ngụm rượu ngô cay nồng.
Chỉ vậy thôi nhưng chợ phiên lại trở thành một nét văn hoá đặc sắc của cao nguyên đá, đến nỗi nhiều người còn nói "nếu đã đến Hà Giang mà chưa đi chợ phiên tức là chỉ mới biết được một nửa của nơi này".