pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đại biểu Quốc hội đề xuất chuyển từ "lương tối thiểu" sang "lương đủ sống tối thiểu"
![Đại biểu Quốc hội đề xuất chuyển từ "lương tối thiểu" sang "lương đủ sống tối thiểu"](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/1098/179072216278405120/2025/2/15/nguyen-thien-nhan-1739614233369574578388-0-0-488-780-crop-17396142400981910358845.jpeg)
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) thảo luận
Nhấn mạnh vấn đề ngoài mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng, đẩy mạnh tăng trưởng nhanh, cũng cần quan tâm, đảm bảo phát triển bền vững về con người. Nhìn từ bài học của Hàn Quốc, Nhật Bản, trong hơn 30 năm các nước này tăng trưởng 2 con số. Tuy nhiên, ngay từ đầu, các nước này không đặt mục tiêu giữ vững tỷ suất sinh thay thế, nên dẫn đến tình trạng tăng trưởng kinh tế thì đạt, còn mức sinh lại không đạt và phát sinh nhiều vấn đề trong phát triển mất cân đối.
Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, nước ta cần thực hiện 2 lộ trình là: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và giữ vững được tỷ suất sinh thay thế. "Cần đặt con tàu kinh tế Việt Nam tăng tốc trên 2 đường ray: tăng trưởng cao; đường ray lương đủ sống để đất nước bền vững về con người, dân tộc trường tồn, nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh".
Theo đó, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị, từ năm 2025 - 2035 cần chuyển từ "lương tối thiểu" sang "lương đủ sống tối thiểu". Đại biểu phân tích từ thực tế, q người phụ nữ sinh được 2 con thì lương của 1 người đi làm phải nuôi được mình và đứa con. Nói cách khác, lương 2 người đi làm phải nuôi được 4 người. Đây gọi là lương đủ sống chứ không phải lương tối thiểu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, lương 2 người đi làm không đủ nuôi 2 đứa con - đây chính là nguyên nhân chính làm giảm tỷ suất sinh thay thế.
![Đại biểu Quốc hội đề xuất chuyển từ "lương tối thiểu" sang "lương đủ sống tối thiểu"- Ảnh 1. Đại biểu Quốc hội đề xuất chuyển từ "lương tối thiểu" sang "lương đủ sống tối thiểu"- Ảnh 1.](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/700/179072216278405120/2025/2/15/toan-canh-1739614233332563366390.jpeg)
Toàn cảnh nghị trường
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, lương tối thiểu vùng 1, chỉ 4,96 triệu đồng/tháng. Thực tế, 2 vợ chồng có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng mới đủ chi tiêu cho 4 người trong gia đình. Như vậy đồng nghĩa là lương đủ sống bình quân 1 người đi làm phải là 10,5 triệu đồng/tháng. Như vậy cũng đồng nghĩa, muốn tăng lương tối thiểu sang lương đủ sống thì phải tăng lương tối thiểu lên gấp đôi thì người dân mới đảm bảo được cuộc sống; "nếu không tăng thì người dân không đẻ, vì không nuôi được".
Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, vấn đề đặt ra là, nếu tăng lương để đủ sống, Việt Nam có còn hấp dẫn đầu tư nước ngoài? Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân tính toán: "Lương đủ sống của Việt Nam chỉ bằng 27% lương tối thiểu của Hàn Quốc. So với Nhật Bản có mức lương 7,23 USD/giờ, Việt Nam chỉ bằng 26% lương tối thiểu của Nhật Bản". Nếu nước ta tăng lương lên mức đủ sống tối thiểu, thì cũng chỉ chiếm 12% - 27% so với lương tối thiểu của họ. Như vậy, lương đủ sống của Việt Nam vẫn đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài.
![Đại biểu Quốc hội đề xuất chuyển từ "lương tối thiểu" sang "lương đủ sống tối thiểu"- Ảnh 2. Đại biểu Quốc hội đề xuất chuyển từ "lương tối thiểu" sang "lương đủ sống tối thiểu"- Ảnh 2.](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/700/179072216278405120/2025/2/15/khanh-thu-1739614233319608778434.jpeg)
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) thảo luận
Thảo luận tại hội trường, phần lớn các đại biểu đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ với việc đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030. Nhiều đại biểu cho rằng, đầu tư công là một trong những trụ cột để tăng trưởng nên cần có giải pháp cụ thể để bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công đã giao, đây là khâu yếu kéo dài nhiều năm. Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) đề xuất Chính phủ tháo gỡ cho những chương trình, dự án đã đầu tư từ năm 2023, 2024 thậm chí trước đó, đặc biệt các dự án đang bị dừng lại nhiều năm nay do vướng mắc cơ chế chính sách trước kia.
Còn đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho rằng, muốn phát triển thì cần có đầu tư và tiền. "Đầu tư tăng thì phải dựa vào nguồn lực tín dụng. Nếu tăng trưởng tín dụng bình bình 15-16% thì khó, phải tầm 18-19%. Tất nhiên có câu chuyện liên quan chính sách tiền tệ, lạm phát nhưng nếu không có tín dụng thì khó phát triển".
Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội sớm có Nghị quyết quy định sự phối hợp, liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI; có các cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.