Đại biểu Quốc hội lo ngại thuốc được rao bán trên sàn thương mại điện tử gây nhiều tác dụng phụ

H.Y
18/06/2024 - 22:45
Đại biểu Quốc hội lo ngại thuốc được rao bán trên sàn thương mại điện tử gây nhiều tác dụng phụ

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà phát biểu

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà lo ngại, có thực trạng một số mặt hàng như thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh được quảng bá, rao bán trên một số sàn thương mại điện tử như Shoppee, TikTok shop. Trong đó, có một số loại thuốc gây nhiều tác dụng phụ như chảy máu, dị ứng.

Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, thảo luận tại tổ chiều 18/6, Phó trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội - cho biết, giá thuốc trên các sàn thương mại điện tử lúc nào cũng rẻ hơn giá bán buôn của các cơ sở kinh doanh thuốc truyền thống. Bà Trần Thị Nhị Hà nghị ngại về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm. Bà Hà đề nghị cơ quan soạn thảo quản lý chặt chẽ việc quảng cáo, rao bán các loại thuốc trên sàn thương mại điện tử.

Còn Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định - cho biết, ông thường xuyên nhận được câu hỏi: "Thuốc này có phải do anh quảng cáo không? Sao người ta sử dụng hình ảnh của anh để bán trên mạng nhiều vậy?".

Ông Hiếu đề nghị ghi rõ trong dự thảo, Bộ Y tế có trách nhiệm phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên mạng xã hội, cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra và thông tin cho người dân biết trên các website, app của Bộ Y tế để phòng tránh, không để cho người dân dùng các thuốc này.

Đại biểu QH lo ngại: Thuốc tránh thai được rao bán trên Shoppee gây nhiều tác dụng phụ- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu

Về việc mua thuốc theo đơn của bác sĩ qua online, nhà thuốc sẽ ship về tận nhà, ông Hiếu nói, vừa qua Ủy ban Xã hội không ủng hộ ý kiến này, đồng thời cho rằng chỉ cho phép mua bằng hình thức này với thực phẩm chức năng.

Theo ông Hiếu, dù bị cấm nhưng rất nhiều nhà thuốc đang bán theo hình thức này. Người dân chỉ cần chụp ảnh đơn thuốc đến thì nhà thuốc sẽ ship đến tận nhà. Do vậy, nếu cấm một cách cơ học nhưng không tìm ra giải pháp rất thuận lợi cho người dân sẽ đẩy người dân vào câu chuyện vi phạm pháp luật.

Từ thực tế này, ông Hiếu đề xuất cần cho phép thực hiện mua thuốc online và giao thuốc tại nhà nhưng phải quy định rõ ràng và nên bắt đầu từ nhà thuốc các bệnh viện. Bởi bệnh nhân xuất viện về nhà, 3 tháng sau muốn mua thuốc thì vẫn có hồ sơ.

"Chúng ta quy định nhà thuốc bệnh viện có bệnh án điện tử, có khám chữa bệnh từ xa có thể chuyển thuốc đến tận nhà người dân", ông Hiếu đề nghị.

Đẩy mạnh phát triển dược nội địa nhưng không ngăn thuốc tốt nhập khẩu vào Việt Nam

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển công nghiệp dược trong nước. Khi nền công nghiệp dược đủ mạnh, người dân sẽ được ưu tiên sử dụng thuốc trong nước sản xuất thay vì cứ phải dùng thuốc nhập khẩu như hiện nay. Chưa kể, hiện nay số lượng người mắc các bệnh ung thư rất nhiều, trong khi đó thuốc điều trị hầu hết là nhập từ nước ngoài, rất đắt tiền.

Lấy dẫn chứng đợt dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội nói, phần lớn thuốc điều trị Việt Nam phải nhập khẩu từ nước ngoài, rất bị động, cần có giải pháp khắc phục ngay.

Đại biểu QH lo ngại: Thuốc tránh thai được rao bán trên Shoppee gây nhiều tác dụng phụ- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng về nguồn dược liệu, đâu đâu cũng có cây thuốc quý nhưng chưa tận dụng tốt. Vì thế, dự thảo luật cần có các cơ chế, quy định cụ thể để phát huy tiềm năng này, cần phát triển các vùng dược liệu trong nước, kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng đồng tình với việc cần phải phát triển ngành dược nội địa. Tuy nhiên, cần biết vị trí của mình đang ở đâu, tránh duy ý chí theo kiểu dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn, không cho các thuốc của các hãng dược phẩm lớn vào Việt Nam.

"Cần rất cẩn trọng về việc dùng luật để thúc đẩy nhưng vô tình lại kìm hãm nhập khẩu các thuốc tốt, thuốc quý" - đại biểu Hiếu nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm