pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo tại Hà Nội
Một căn nhà siêu mỏng tại Hà Nội. Ảnh minh hoạ
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, trong thời gian qua, Hà Nội đã xuất hiện nhiều tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, các vấn đề về chung cư mini…
Về chính sách quy hoạch và quản lý đô thị, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu bám sát các yêu cầu về quy hoạch, quản lý đô thị tại Nghị quyết số 15 của Trung ương để thể chế hóa rõ ràng, cụ thể thành các quy phạm. Quy định tại Điều 19 còn mang tính nguyên tắc, các quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, quản lý không gian kiến trúc cảnh quan, phát triển nhà ở còn quá khái quát, chưa thật đồng bộ, chưa giải quyết được vấn đề bức xúc thực tiễn đặt ra.
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh - Đoàn ĐBQH Thành phố Cần Thơ cho rằng, qua gần 20 năm phát triển cho thấy, quy hoạch Thủ đô chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Khu vực nội đô và các khu vực có tính lịch sử như phố cổ, phố cũ, khu vực đô thị mới… quy hoạch còn động, lộ trình thực hiện còn nhiều thay đổi, phát sinh, gây bất ổn cho đời sống nhân dân.
Đại biểu cho rằng, việc quy hoạch và lộ trình quy hoạch thủ đô phải được thực hiện và kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, cần quy hoạch thủ đô với tầm nhìn chiến lược và lộ trình thực hiện phải do Trung ương chỉ đạo việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, năng lực cạnh tranh quốc gia chính là năng lực cạnh tranh của các đô thị lớn, nơi tập trung tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao. "Tôi nhận thấy cần thiết bổ sung vào dự thảo Luật một điều khoản để làm sao cho việc quy hoạch đô thị ven sông Hồng, sông Đuống trở thành điểm đột phá, nâng tầm cảnh quan không gian và phát triển Hà Nội văn minh, hiện đại hơn", đại biểu Yên nhấn mạnh.
Chủ đầu tư vi phạm nhưng cư dân chung cư lại bị cắt điện nước?
Về quy định cắt điện, nước với công trình vi phạm, đại biểu Thạch Phước Bình nêu quan điểm: "Cắt điện nước với tính chất là biện pháp cưỡng chế hành chính cần phải cân nhắc bởi biện pháp này ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân, ảnh hưởng đến đời sống người không vi phạm hành chính, đề nghị tiếp tục nghiên cứu kỹ".
Ông Thạch Phước Bình lấy ví dụ, cắt điện nước tại nhà chung cư vì chủ đầu tư vi phạm trong khi cư dân lại phải chịu ảnh hưởng là không hợp lý. Bên cạnh đó, biện pháp cắt điện nước không phải là một biện pháp mang tính nhân văn vì rất ảnh hưởng đến quyền cơ bản của con người. Đơn cử như, cắt điện nước của cơ sở sản xuất kinh doanh vì vi phạm thì lại làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người lao động, thiếu điện nước sinh hoạt và vệ sinh. Thậm chí, nếu bị cắt điện nước, phải đảm bảo các quyền cơ bản về an toàn vệ sinh cho người lao động nhưng do vi phạm mà bị cắt điện nước thì vô hình chung sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, đẩy họ ra khỏi vòng an toàn cần thiết, người sử dụng lao động có thể dồn người lao động vào một khu nhà xưởng không bị cắt điện nước, dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm, không đảm bảo đời sống người lao động, thậm chí phát sinh việc câu điện lậu, trái phép, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ…
Đại biểu đặt câu hỏi: "Tại sao không áp dụng trực tiếp việc đình chỉ sản xuất với cơ sở kinh doanh mà lại thông qua cắt điện nước?". Hiện chúng ta không thiếu biện pháp xử lý các công trình vi phạm và không nhất thiết phải cắt điện nước. Áp dụng biện pháp này, đại biểu nhấn mạnh: "Chúng ta đang áp dụng biện pháp phi trật tự để duy trì trật tự".