Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Còn ý kiến khác nhau về quy định biên chế cán bộ, viên chức thành phố

PVH
10/11/2023 - 15:22
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Còn ý kiến khác nhau về quy định biên chế cán bộ, viên chức thành phố

Cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô Hà Nội trong một chương trình trình diễn áo dài. Ảnh minh họa

Chiều 10/11, Quốc hội xem xét và thảo luận tại tổ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); trong đó nhiều ý kiến khác nhau, tập trung vào các nội dung chế độ công vụ; cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài; chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô.

Chiều 10/11, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Dự thảo Luật gồm 07 chương, 59 điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều. Dự thảo quy định về chính quyền Thủ đô, trong đó, về mô hình tổ chức, thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc thành phố Hà Nội.

Tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (từ 02 lên tối đa 03); mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của Hội đồng nhân dân.

Đặc biệt, về chế độ công vụ; cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài; chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, ông Lê Thành Long cho biết: Cán bộ được quản lý thống nhất từ cấp xã đến thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền. Quy định đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại đơn vị sự nghiệp công lập...

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Còn ý kiến khác nhau về quy định biên chế cán bộ, viên chức thành phố - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình trước Quốc hội. Ảnh: QH

Tương tự cơ chế áp dụng cho Thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo Luật quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô, một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết: Hiện còn quy định về biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức của thành phố Hà Nội (điểm b khoản 1 Điều 9) được đề nghị tiếp tục xin ý kiến, cụ thể: Căn cứ yêu cầu của thực tiễn của Thủ đô, dự thảo Luật quy định trên tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền giao, thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm.

Theo ông Lê Thành Long, quy định này bảo đảm tính linh hoạt, chủ động cho thành phố Hà Nội trong việc quyết định biên chế. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định này khác với quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành trung ương về quản lý biên chế của hệ thống chính trị, theo đó Bộ Chính trị "Quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị theo nhiệm kỳ 5 năm và khi cần thiết; quyết định giao biên chế cho các cơ quan, tổ chức được giao thẩm quyền quản lý biên chế".

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Còn ý kiến khác nhau về quy định biên chế cán bộ, viên chức thành phố - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp

Bên cạnh đó, về phát triển văn hoá, giáo dục và an sinh xã hội Thủ đô, xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa trong theo quy hoạch; giao Hội đồng nhân dân Thành phố quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể…

Về chính sách xã hội, quy định Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua nhà ở xã hội... Về chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội; hỗ trợ khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô...

Thẩm tra dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng đồng thời là giao nhiệm vụ cho chính quyền thành phố Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô. Đồng thời, cần bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia, đồng thời là đô thị đặc biệt.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Còn ý kiến khác nhau về quy định biên chế cán bộ, viên chức thành phố - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: QH

Với một số nội dung cụ thể, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết: Về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô (Điều 18), có ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc việc quy định chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô trong dự thảo Luật vì Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra yêu cầu chỉ thực hiện thí điểm cơ chế chi thu nhập bình quân tăng thêm đối với một số địa phương đã tự cân đối được ngân sách, do đó, nội dung này cần được tổng kết, đánh giá trước khi luật hóa để áp dụng ổn định, lâu dài. Có ý kiến đề nghị làm rõ nguồn kinh phí để bảo đảm thực hiện chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm vì phạm vi đối tượng thụ hưởng rất lớn.

Về thu hút, trọng dụng nhân tài (khoản 1 Điều 17), đề nghị bổ sung quy định về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm nhân tài sau khi đã vào làm việc trong hệ thống. Ngoài việc ban hành các chính sách thu hút nhân tài thì chính quyền thành phố Hà Nội cũng cần quan tâm, có biện pháp chủ động tìm kiếm nhân tài hoặc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân tài từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có để đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (khoản 2 Điều 17), có ý kiến cho rằng, quy định của dự thảo Luật chưa rõ mục tiêu phát triển nguồn nhân lực để phục vụ bộ máy của hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội hay là phát triển nguồn nhân lực nói chung, chưa lý giải rõ căn cứ để cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng như quy định của dự thảo Luật.

Về phát triển y tế, văn hoá, thể thao, giáo dục và đào tạo, chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và các khu công nghệ cao (từ Điều 23 đến Điều 28), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị làm rõ tính đặc thù và sự cần thiết phải quy định các chính sách đặc thù trong các lĩnh vực y tế, văn hoá, thể thao, giáo dục và đào tạo trong Luật Thủ đô tại các điều 23, 24, 27; điều kiện bảo đảm và cơ chế thực thi các quy định về phát triển khoa học, công nghệ (Điều 25); phạm vi UBND Thành phố được phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý khu công nghệ cao (Điều 26); bổ sung các nội dung nhằm bảo đảm phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách song cũng cần tránh các nguy cơ về lợi dụng, lạm dụng chính sách (Điều 28)...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm