pnvnonline@phunuvietnam.vn
Góp ý hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần có quy định cụ thể về tỉ lệ quỹ đất dành cho giáo dục
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội, góp ý tại hội nghị
Ngày 20/7, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự án Luật Thủ đô sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tháng 10/2023; thông qua tháng 5/2024.
Hệ thống công lập cần phải đáp ứng 75% nhu cầu của học sinh
Quan tâm đến vấn đề giáo dục của Thủ đô, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng, trong thực tế, Hà Nội xuất hiện sự mâu thuẫn giữa tăng dân số cơ học và hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, sân chơi, nhà ở, giao thông, môi trường...) nhưng trong các điều khoản của các lĩnh vực này thì lại chưa có cơ chế đặc thù, vì vậy chưa thể giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc của chúng ta.
Bà Bùi Thị An đề nghị, cần bổ sung hệ thống giáo dục công lập phải được ưu tiên về kinh phí và quỹ đất để phát triển cân xứng và đáp ứng được sự tăng dân số cơ học của Thủ đô, đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu của học sinh từ mầm non đến hết trung học; có chính sách hỗ trợ để tất cả học sinh trong mọi hoàn cảnh đều được tiếp cận giáo dục hiện đại; tạo cơ sở vật chất để 100% các em không may mắn, khuyết tật, tự kỷ... đều được chăm sóc nuôi dưỡng.
Cần đảm bảo cơ sở vật chất (phòng học, trang thiết bị...) như Luật giáo dục quy định, có giải pháp từ nay đến năm 2030 phải triệt tiêu đến mức có thể sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa nội và ngoại thành. Lấy dẫn chứng kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội vừa qua, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội nói, đã có sự chênh lệch quá lớn về điểm số khi mà ngoại thành thì 17 điểm đã đỗ nhưng nội thành thì phải 44 điểm.
Bên lề hội nghị, chia sẻ với Báo Phụ nữ Việt Nam, Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, Luật Thủ đô cũng cần phải có những quy định cụ thể, chi tiết về tỉ lệ quỹ đất dành cho lĩnh vực giáo dục. Chẳng hạn, chúng ta đã đề xuất dành 20% quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội thì cũng cần dành 10% quỹ đất cho phát triển giáo dục.
1.500 người nộp hồ sơ bốc thăm suất mua 149 căn hộ nhà
Về việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo cho rằng, hiện nhu cầu nhà ở xã hội của người dân, đặc biệt là công nhân đang tăng cao. Sự kiện gần 1.500 người nộp hồ sơ bốc thăm suất mua 149 căn hộ nhà ở xã hội tại dự án NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) mới đây cho thấy thực trạng "khát" căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền với đa số người dân.
Vì vậy, cần quy định rõ ràng trong dự thảo Luật Thủ đô để có cơ chế chính sách trong xây dựng nhà ở xã hội cho người dân. Theo đó, trong dự thảo Luật Thủ đô, Luật sư Hảo đề xuất sửa như sau: "Thành phố Hà Nội được bố trí quỹ đất tương đương 20% đất ở trong các dự án để dành cho việc xây dựng nhà ở xã hội".
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, khẳng định: "Chúng tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng của các vị đại biểu. Các ý kiến sẽ được Hội tiếp thu, tổng hợp cùng với các ý kiến của các tầng lớp phụ nữ vào công văn góp ý gửi Ủy ban nhân dân Thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và Trung ương Hội LHPN Việt Nam".