Đại dịch Covid-19 đưa mô hình đa thế hệ trở lại nước Mỹ

Kim Ngọc
29/07/2021 - 10:03
Đại dịch Covid-19 đưa mô hình đa thế hệ trở lại nước Mỹ

Gia đình 3 thế hệ của Ellen Scherer Crafts và Trevor Crafts

Đại dịch Covid-19 không chỉ định hình lại thị trường nhà ở mà còn tái lập cấu trúc gia đình ở Mỹ. Mô hình gia đình nhiều thế hệ đang có xu hướng gia tăng ở quốc gia này.

Theo một cuộc khảo sát quốc gia, trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, lúc diễn ra đợt đại dịch Covid-19 đầu tiên ở Mỹ, 15% người mua nhà cho biết họ đã mua nhà rộng để nhiều thế hệ sống cùng nhau. Đây là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận ở quốc gia này kể từ năm 2012. Được biết 8 tháng trước khi đại dịch bùng phát, chỉ 11% người Mỹ mua nhà với mục đích này.

Lo người già bị cô lập

Việc nhiều gia đình đón cha mẹ về sống cùng được lý giải bởi những lo ngại về sự cô lập đối với người cao tuổi trong bối cảnh dịch Covid-19. Ngoài xa, xu hướng này cũng phản ánh mong muốn cần ông bà giúp trông nom cháu khi nhiều bậc cha mẹ phải làm việc tại nhà.

Vợ chồng Ellen Scherer Crafts và Trevor Crafts sống với cô con gái 5 tuổi ở bang California. Trong khi đó, mẹ của Ellen sống ở bang Nevada còn cha mẹ của Trevor ở bang Texas. Do ảnh hưởng từ đại dịch, sau nhiều tháng ít có cơ hội gặp gỡ, vào tháng 3, bố mẹ hai bên và vợ chồng Ellen đã quyết định bán cả 3 ngôi nhà. Sau đó, họ góp tiền mua một ngôi nhà ở Weston, bang Connecticut.

Ngôi nhà mới được thiết kế với một phòng khách, một nhà kho, một studio và 5 phòng ngủ. Edward Crafts, mẹ của Trevor, người đã nghỉ hưu, cho biết: "Đây là cơ hội chỉ có một lần trong đời mà tôi không muốn bỏ lỡ. Thật may mắn khi chúng tôi có thể tìm mua được một căn nhà lớn giữa lúc thị trường nhà đất đang đắt đỏ".

Đối với vợ chồng Andrea và Dwight Francis, việc có thêm cô con gái thứ hai, Alexandra, vào mùa hè năm ngoái đã khiến cặp đôi phải vội vã tìm mua nhà mới. Năm ngoái do ảnh hưởng từ đại dịch, cả hai có khoảng thời gian cùng làm việc tại nhà. Dwight Francis, 44 tuổi, là kỹ sư phần mềm. Còn Andrea Francis, 41 tuổi, là giáo sư ngành kế toán tại một trường đại học. Andrea cho biết việc có thêm con khiến ngôi nhà gần như bùng nổ. Trong khi cô còn phải chăm sóc con gái lớn 4 tuổi. Vài tuần trước khi con chào đời, cặp vợ chồng đã đón bà Masie, mẹ của Dwight Francis, đến sống với họ.

Trước đại dịch, bà Masie sống trong một cộng đồng hưu trí ở Atlanta. Bà luôn khuyến khích hai vợ chồng mua một ngôi nhà mới đủ rộng, bà có thể đến ở cùng. Với sự hỗ trợ tài chính của mẹ, cặp đôi đã mua một ngôi nhà mới ở khu phố Queens và đón bà về ở cùng, một phần vì lo lắng mẹ phải sống trong cảnh thân cô thế cô giữa đại dịch, một phần vì muốn bà giúp đỡ trông cháu.

Erin Wentz-Lesman, 41 tuổi, giáo viên một trường công lập ở quận Brooklyn, cho biết vì giá nhà quá cao, cô không có cách nào trả chi phí mua một căn nhà mới. Chồng cô, Toby, làm việc cho một công ty ống nước. Họ có hai con tuổi vị thành niên. Vào tháng 10 năm ngoái, với sự hỗ trợ từ cha mẹ của Erin, cặp đôi đã mua một ngôi nhà 5 phòng ngủ ở cùng khu phố. Vài tháng sau, cặp vợ chồng này đã bán nhà cũ của mình và đón ông bà ngoại về sống chung. Trước đó, cha mẹ của Erin sống trong một căn nhà cho thuê cùng quận Brooklyn vì muốn gần gũi con cháu.

Đại dịch Covid-19 đưa mô hình đa thế hệ trở lại nước Mỹ - Ảnh 1.

Đại dịch Covid-19 không chỉ định hình lại thị trường nhà ở mà còn tái lập cấu trúc gia đình ở Mỹ.

Trốn dịch, về ở cùng con

Ông Jose Madrigal, 68 tuổi, sống ở quận Queen, trung tâm thành phố Manhattan, New York và cho thuê nhà để kiếm thêm thu nhập. Đầu năm 2020, ông có bốn khách thuê, một trong số đó là con trai lớn 28 tuổi của mình. Khi đại dịch, nhiều người đã trả phòng và rời khỏi thành phố.

Thay vì tìm khách thuê mới, ông Jose Madrigal đã quyết định cùng vợ và con trai 19 tuổi chuyển đến sống cùng con trai lớn của mình ở chung cư. Ông Jose Madrigal chia sẻ: "Mọi người hay nghe câu chuyện về những đứa con chạy trốn đại dịch, về ở với cha mẹ. Còn với chúng tôi thì ngược lại".

Talib McDowell, 42 tuổi và vợ đã bán căn nhà do người bà để lại ở Brooklyn để xây một ngôi nhà mới ở bang Florida, nơi gia đình lớn gồm vợ chồng McDowell, hai con và ông bà nội chung sống. Năm ngoái, Mc Dowell đã nghỉ làm trong khách sạn. Cha mẹ anh gần đây cũng đã bán nhà ở Massachusetts để hỗ trợ thêm tài chính và chăm sóc con cái.

McDowell cho biết: "Trải qua quá trình này, tôi nhận ra rằng, hàng ngàn người đang mất tiền tích lũy nhiều năm vì Covid-19". Anh cho biết việc gia đình nhiều thế hệ sống chung là một cách để củng cố tài sản của gia đình.

Bà Janice, mẹ của McDowell, 64 tuổi, nói rằng việc bán nhà để sống chung là một sự điều chỉnh lớn. Chia sẻ về việc này, cha của McDowell, một cảnh sát đã nghỉ hưu, cho biết ông đã giảm khoảng 20 pound (hơn 9kg) và trở về số cân nặng như hồi đại học trong khoảng thời gian sống với gia đình con trai.

McDowell là một đầu bếp được đào tạo bài bản, trong những tháng gần đây, anh đã nấu các bữa ăn chay cho gia đình. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là ông bà nội đều rất vui khi được gặp các cháu mỗi ngày.

Nguồn: The New York Times
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm