Đắk Lắk khởi sắc sau 12 năm thực hiện chương trình nông thôn mới

Nhật An
25/05/2023 - 12:02
Đắk Lắk khởi sắc sau 12 năm thực hiện chương trình nông thôn mới

Bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk chung tay xây dựng NTM. Ảnh tư liệu

Sau 12 năm thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh Đắk Lắk có 79 xã (gần 52 %) đạt 19/19 tiêu chí NTM, trong đó, có 71 xã đã được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn.

Là tỉnh miền núi chậm phát triển nên thời điểm năm 2011 khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp. Những khó khăn của tỉnh trong xây dựng NTM có thể kể đến như dân cư thưa thớt, địa bàn rộng, hạ tầng thấp kém, nhất là hạ tầng giao thông ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Trong khi diện tích bình quân một xã của cả nước là 2.300ha thì diện tích bình quân một xã của Đắk Lắk lên tới 8.300ha, rộng hơn 3,6 lần…

79 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM

Với quan điểm xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ của hệ thống chính trị và toàn xã hội, tỉnh Đắk Lắk đã huy động nhiều nguồn lực, tập trung vào những lĩnh vực mang tính đột phá như phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, giảm nghèo bền vững; chọn những xã điểm, huyện điểm để triển khai xây dựng NTM. Trong xây dựng NTM, Đắk Lắk chú trọng tuyên truyền vận động, phát huy dân chủ để toàn dân chung sức, đồng lòng, huy động sự đóng góp của nhân dân trong thực hiện từng tiêu chí. Nhờ vậy, tính đến đầu năm 2023, tỉnh đã huy động được hơn 49 nghìn tỷ đồng đầu tư cho xây dựng NTM; trong đó, ngân sách Trung ương và địa phương hơn 3,76 nghìn tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 23,4 nghìn tỷ đồng, vốn đóng góp của cộng đồng dân cư 3,1 nghìn tỷ đồng và vốn huy động từ chương trình, dự án khác hơn 18,9 nghìn tỷ đồng.

Đắk Lắk khởi sắc sau 12 năm thực hiện chương trình nông thôn mới - Ảnh 1.

Thành phố Buôn Ma Thuột hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Sau 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Đắk Lắk có nhiều đổi thay. Thông tin tại Hội thảo xây dựng phần mềm hệ thống đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk được tổ chức mới đây, ông Dương Tín Đức - Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh - cho biết: Sau 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Người dân hưởng ứng tích cực phong trào thi đua "Đắk Lắk chung tay xây dựng NTM". Đến nay, toàn tỉnh có 79 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM (trong đó, có 71 xã đã được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn, 8 xã đang lập hồ sơ trình xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2022); bình quân đạt 15,93 tiêu chí/xã. Thành phố Buôn Ma Thuột hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; còn lại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố đều có xã đạt chuẩn NTM.

Mục tiêu đến năm 2025, có 100 xã và 4 huyện đạt chuẩn NTM

Hiện nay, trong số 73 xã của Đắk Lắk chưa về đích NTM thì có tới 54 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đối với những xã này, nguồn lực huy động trong nhân dân có hạn, việc thực hiện các tiêu chí về hạ tầng nông thôn, hộ nghèo và thu nhập rất khó hoàn thành trong thời gian ngắn. 

Đắk Lắk khởi sắc sau 12 năm thực hiện chương trình nông thôn mới - Ảnh 2.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại nhiều đổi thay tích cực cho đời sống người dân. Ảnh: Báo Đắk Lắk

Để tập trung xây dựng NTM ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, rất cần có sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước để triển khai các chương tình trọng điểm như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; Chương trình tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực có chất lượng là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư, gắn phát triển với giải quyết hài hòa lợi ích giữa các vùng, các dân tộc. Được biết, mục tiêu của tỉnh Đắk Lắk trong năm 2023 này là có tổng số 86 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 120 sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền chứng nhận; đến năm 2025 có 100 xã và 4 huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có 10 xã NTM nâng cao, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí, khu vực nông thôn có 200 sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chứng nhận.

Được biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Đắk Lắk tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, địa phương sẽ kiện toàn tổ chức làm công tác xây dựng NTM; xác định rõ vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức và người dân trong xây dựng NTM; nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đắk Lắk khởi sắc sau 12 năm thực hiện chương trình nông thôn mới - Ảnh 3.

Phát huy vai trò của mỗi người dân trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh tư liệu

Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các địa phương; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn; phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững; định hướng chuyển đổi số trong xây dựng NTM trên địa bàn.

Thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng NTM; Bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp…

Mặc dù, trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng sau 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Đắk Lắk có nhiều khởi sắc, chất lượng cuộc sống người dân ngày nâng cao, nhận thức của đa số người dân ngày một tiến bộ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm