pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đắk Nông: Hương ước góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của đồng bào
Ảnh minh họa
Bộ quy tắc ứng xử văn minh
Người dân Đắk Nông nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng luôn có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Thực tế cho thấy, cùng với hệ thống pháp luật, hương ước là một công cụ hữu hiệu để quản lý, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, thắt chặt tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống của bà con buôn làng ở Đắk Nông.
Theo Sở Văn hóa- Thể thao, Du lịch tỉnh Đắk Nông, hiện 713 thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố (gọi tắt thôn, bon) trên địa bàn tỉnh đều có hương ước. Việc thực hiện soạn thảo, xây dựng và ban hành hương ước tại các thôn, bon phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các hương ước phù hợp với đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới, quy tắc ứng xử văn minh, phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư.
Theo ông Cao Thế Bảy, Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa - Gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông), các hương ước tại thôn, bon trên địa bàn tỉnh luôn có đặc điểm chung đó là truyền thống đoàn kết và cố kết làng xã. Hương ước không chỉ quy định nghĩa vụ của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng mà còn định rõ trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong đời sống thường nhật. Hương ước khuyên răn mọi người ăn ở hòa thuận theo đúng đạo hiếu gia đình, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn, gia đình có công to việc lớn...
"Lạt mềm buộc chặt"
Xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp là địa phương đầu tiên của tỉnh Đắk Nông đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong xã có 1 bon có nhiều hộ đồng bào dân tộc M’nông (dân tộc tại chỗ) sinh sống là Bu Nđor. Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, hương ước trong bon quy định, người dân phải tích cực ủng hộ, hỗ trợ các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và địa phương trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh trật tự.
Do vậy, tất cả các hộ dân trong bon Bu Nđor luôn sẵn lòng thực hiện các chỉ đạo, chủ trương của các cấp, ngành và địa phương. Trong nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới, người dân luôn gắn với quy định trong hương ước để thực hiện.
Bà con trong bon Bu Nđor luôn nỗ lực thực hiện các quy định của hương ước, gắn với hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ví như việc thực hiện tiêu chí môi trường, trong hương ước quy định người dân phải ăn ở sạch sẽ ngay trong gia đình và ngoài khu vực mình sinh sống.
Còn về tiêu chí văn hóa, đồng bào cũng tự giác thực hiện việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng như cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát… Với tinh thần đoàn kết, thống nhất thực hiện các chủ trương của cấp trên được cụ thể hóa trong hương ước, tệ nạn xã hội, trộm cắp, mất đoàn.
Có nhiều điểm trong hương ước quy định, bà con đều thực hiện đúng như không được trộm cắp, không được gây gổ mất đoàn kết trong bon làng, mọi người phải thương yêu, giúp đỡ, đùm bọc nhau…
Xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa có 12 thôn, bon, trong đó có 5 bon đồng bào DTTS. Thời gian qua, chính quyền xã luôn chủ động hỗ trợ các thôn, bon xây dựng và triển khai thực hiện hương ước. Trong đó, xã chú trọng phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, vận động người dân ứng xử đúng chuẩn mực cộng đồng đã được quy định trong hương ước.
Được biết, hầu hết hương ước của các thôn, bon trong xã đều quy định người dân, đồng bào phải tu chí làm ăn, không được vi phạm pháp luật. Vì thế, có rất ít người vi phạm các điều đã được quy định trong hương ước. Bên cạnh đó, việc đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào hương ước, quy ước và làm tiêu chí xếp loại gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đã và đang phát huy hiệu quả cao.
Việc thực hiện hương ước luôn có sự giám sát chặt chẽ của lãnh đạo địa phương và chính quyền xã. Nếu ai vi phạm hương ước sẽ bị phê bình, cảnh cáo, nêu tên trên loa phát thanh của thôn, bon hoặc phê bình tại các cuộc họp thôn, bon. Nếu vi phạm nghiêm trọng, cá nhân đó sẽ bị chính quyền địa phương đề nghị xử lý theo pháp luật. Ngược lại, nếu thực hiện tốt hương ước, bà con sẽ được bình bầu và ghi vào "sổ vàng" của thôn, bon, đề nghị lên xã để tuyên dương, khen thưởng.
Việc làm công khai, minh bạch, có tính khích lệ đã tạo được ý thức thi đua trong việc thực hiện hương ước của bà con.
Thúc đẩy "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"
Tại xã Cư K’nia (huyện Cư Jút), hiện có 12/12 thôn của xã đều đã xây dựng được hương ước. Hằng năm, dựa trên các văn bản chỉ đạo của cấp trên, UBND xã hướng dẫn các thôn tiến hành sửa đổi một số nội dung của hương ước phù hợp, theo đúng với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Qua thực tế thực hiện, hương ước không chỉ góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Nhờ vậy, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa trên địa bàn xã đã được gìn giữ, phục dựng theo nghi thức truyền thống.
Từ việc thực hiện tốt hương ước, đến nay, 100% thôn đều đạt danh hiệu thôn văn hóa tiêu biểu, trên 90% số hộ gia đình công nhận văn hóa, xã Cư K’nia đã đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Tại bon Phai Kol Pru Đăng, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa có 145 hộ dân, trong đó có 29 hộ đồng bào M’nông, 28 hộ dân đồng bào phía Bắc di cư vào, chủ yếu là dân tộc Tày. Nhờ có hương ước đã phát huy tinh thần đoàn kết, gắn kết làng xã rất cao trong việc hưởng ứng xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông.
Năm 2005 bon Phai Kol Pru Đăng được thành lập. Đến năm 2007, hương ước của bon được Ban tự quản và đại bộ phận người dân thông qua vào. Hương ước có 8 chương, 28 điều, quy định rất rõ về nếp sống văn hóa, vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, các khoản đóng góp của người dân…Đặc biệt, cả Điều 17, Chương IV của hương ước đã quy định về đoàn kết trong bon. Nội dung chính là yêu cầu mọi người dân trong bon phải đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau; không được chia bè kéo phái, không phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo, giới tính…
Trưởng bon Phai Kol Pru Đăng - bà H’Thanh cho biết, 2 năm trước, khi có chủ trương làm trục đường chính trong bon, Ban tự quản bon đã phối hợp với già làng tổ chức vận động, tuyên truyền người dân tích cực bàn giao mặt bằng san ủi mở rộng nền đường. Chấp hành hương ước của bon, hầu hết các hộ dân đồng bào DTTS đã thống nhất, tự nguyện giao mặt bằng cho đơn vị thi công dù chưa có sự hỗ trợ kinh phí từ các cấp.
Bà Quản Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia cho biết, tại các thôn, bon đồng bào DTTS ở địa phương, khi thực hiện chủ trương giảm nghèo, người dân đều nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Với sự nỗ lực của chính quyền và người dân, năm 2023, xã đã giảm được 13 hộ nghèo/tổng số 66 hộ, đạt tỷ lệ 19,7%; vượt chỉ tiêu giảm nghèo chung của thành phố và Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy Đắk Nông về giảm nghèo bền vững.